Củ đậu là một loại củ quen thuộc, vị ngọt mát rất dễ ăn và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên người dùng tuyệt đối không nên ăn hạt vì có thể tử vong.
Củ đậu là gì?
Theo Đông y, củ đậu hay còn gọi là củ sắn nước có vị ngọt nhẹ và thanh mát. Trong củ đậu có chứa 80-90% là nước, 4,51% đường glucoza, 2,4% tinh bột và nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng khác như: sắt, canxi, phốt pho, vitamin C cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, củ đậu giàu vitamin C giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Thành phần chất chống oxy hóa và kháng viêm cao, hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn và khó thở. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người ăn nhiều chất xơ có thể giảm nguy cơ cholesterol cao.
ThS. BS Nguyễn Đàm Chính - Trung tâm Chống độc, vệnh viện Bạch Mai cho biết: "Cây củ đậu có tên khoa học là Pachyrrhizus erosus, thuộc họ đậu, được trồng ở nhiều nơi với mục đích lấy củ làm thực phẩm (98% là nước). Mặc dù phần củ rất tốt nhưng trong hạt có chứa thành phần độc Rotenon không ăn được, dùng để sản xuất thuốc trừ sâu và chữa bệnh ngoài da (ghẻ, lở). Ngoài ra, chất độc này còn có thể có trong lá nhưng với hàm lượng thấp hơn".
Củ đậu có vị ngọt nhẹ và thanh mát.
Bác sĩ Chính cho biết, với các trường hợp ngộ độc liên quan đến hạt củ đậu chủ yếu là do cố ý, chỉ có một số trường hợp uống nhầm sau khi chế biến thành thuốc chữa ghẻ hoặc thuốc trừ sâu.
Không có thuốc giải đặc hiệu
Cơ chế gây độc của chất Rotenon trong hạt của đậu cho đến nay vẫn chưa thực sự được tìm hiểu rõ. Tuy nhiên có một số cơ chế có thể đóng góp vào độc tính của Rotenon lên cơ thể người như: ức chế men NADH trong phức hợp gắn màng I trong tỉ lạp thể, dẫn đến ức chế phản ứng phosphoryl oxy hóa. Từ đó giảm phản ứng chuyển hóa ái khí và tăng sinh lactat; ức chế hô hấp tế bào dẫn đến việc gia tăng hình thành hydrogen peroxide (H2O2), các gốc oxy hóa tự do và chết theo chương trình của tế bào.
Nói về triệu chứng ngộ độc hạt củ đậu, bác sĩ Chính cho biết: ngày sau khi ăn thực phẩm có chứa chất độc này, bệnh nhân sẽ có biểu hiện ngộ độc từ phút thứ 5-40. Triệu chứng có thể tiến triển nhanh và nặng có thể tử vong trong thời gian từ 2-5 giờ. Nếu được kiểm soát tốt, triệu chứng nặng nề nhất có thể hết sau 4-7 giờ.
"Hạt củ đậu là hạt cứng do vậy có thể làm chậm hấp thu Rotenon do đó triệu chứng có thể biểu hiện muộn và kéo dài hơn quá 12 giờ. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng huyết áp tụt kéo dài và toan chuyển hóa có thể dẫn tới tử vong hoặc sống sót có di chứng", bác sĩ Chính cảnh báo.
Biểu hiện ngộ độc hạt của đậu bao gồm: đau bụng, nôn, ỉa chảy, tăng tiết nước bọt, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng sụt bất thường. Thậm chí, ngừng tuần hoàn trong cơ thể diễn ra rất nhanh, đồng tử giãn...
Vị này còn cho biết, trước đó có nghiên cứu trên 5 trường hợp ngộ độc Rotenon sau ăn cháo đun với rễ củ đậu, người nặng nhất với biểu hiện ngộ độc chuyển hóa nặng tăng axit lactic, hôn mê tiến triển nhanh chóng, đồng tử giãn và suy tuần hoàn cấp tính. 4 người còn lại ăn ít hơn, triệu chứng thoáng qua chủ yếu đường tiêu hóa và thần kinh hồi phục hoàn toàn với điều trị hỗ trợ.
"Ngộ độc Rotenon trong hạt củ đậu không có thuốc giải độc đặc hiệu mà tổn thương của nó diễn biến rất nhanh nên thái độ xử trí cần tích cực, khẩn trương để cứu bệnh nhân", bác sĩ Chính khuyến cáo.