Vì sao chó hoang châu Phi được coi là "thợ săn đỉnh nhất"?

Chó hoang châu Phi có tên khoa học là Lycaon pictus, tên tiếng Anh là “Painted wolves” (tạm dịch là “những con sói được sơn màu”) nhưng người ta thường biết đến chúng qua cái tên chó hoang nhiều hơn.

Chó hoang châu Phi được biết đến là bậc thầy của nghệ thuật phối hợp săn mồi trên thảo nguyên với tỷ lệ săn mồi thành công lên đến 3/4 trong mỗi chuyến săn, từng cá thể có ý thức kỹ luật và đoàn kết tốt. Chúng còn là một trong những loài thú có cú cắn mạnh nhất trong các loài động vật có vú trong bộ ăn thịt.


Chó hoang châu Phi được biết đến là bậc thầy của nghệ thuật phối hợp săn mồi.

Đã từng có khoảng 500.000 con chó hoang dã châu Phi trong 39 quốc gia và bầy 100 con hoặc nhiều hơn không phải là hiếm, nhưng nay chỉ có khoảng 3.000-5.500 trong ít hơn 25 quốc gia, hoặc có lẽ chỉ có 14 quốc gia.

Số lượng loài này thời điểm năm 2016 ước khoảng 39 tiểu quần thể có chứa 6.600 con trưởng thành, chỉ có 1.400 cá thể trong số đó là cá thể trưởng thành đang sinh sản.  Sự suy giảm của các quần thể này đang diễn ra, do sự phân mảnh môi trường sống, sự đàn áp của con người và dịch bệnh.

Có tính tổ chức, xã hội độc đáo

Chúng sở hữu một bộ lông cực thời trang với các đốm màu đen, nâu, vàng và trắng; đặc biệt, mỗi con chó lại có đốm khác nhau, không con nào giống con nào cùng với đó là 1 đôi tai to tròn. Môi trường sống của chó hoang châu Phi sống tập trung miền Đông và miền Nam châu Phi.

Chó hoang châu Phi có lối sống bầy đàn với tổ chức xã hội cao và đầy tính kỷ luật. Đây là một trong những điểm nổi bật giúp chúng có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt với nhiều kẻ săn mồi to lớn và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Chúng là loài có một con đầu đàn, tất cả thành viên khác đều phải phục tùng. Khi săn được mồi, thịt được phân chia từ trên xuống dưới, những con chó khác kiên nhẫn chờ đợi, đứng gác cho đến lượt mình để ăn.

Chúng hầu như không bao giờ đấu đá với nhau tranh thức ăn do hệ thống xếp hạng này. Khi một con chó bị ốm, bị thương hoặc đã cao tuổi, thậm chí mất khả năng săn mồi, các thành viên còn lại trong đàn sẽ chăm sóc và nuôi chúng. Khi con đầu đàn bị thương, nó không bị ép thoái vị, nếu đủ tài trí, nó vẫn sẽ được cả đàn kính trọng và chăm sóc.

Điểm đặc biệt hơn ở loài động vật này là đặc tính nhường nhịn bề dưới. Khi săn được mồi, các con trưởng thành sẽ để cho con non ngấu nghiến thức ăn trước tiên. Không chỉ các ông bố bà mẹ, ngảy cả các anh chị cũng tham gia trong việc chăm lo, bảo vệ các em nhỏ trong đàn.

Loài này cũng có một thói quen hết sức dị, đó là nuốt thức ăn vào rồi nôn ra ăn lại. Chúng cũng có lúc lăn mình qua bãi nôn trước, sau đó mới đứng lên tợp hết đống thịt lộn xộn dưới đất. Công việc thường được dùng để mang thức ăn về cho các con non nhưng đôi khi việc này mở rộng cho con lớn, đến mức là nền tảng của đời sống xã hội chó hoang châu Phi.

Kỹ năng săn mồi cực đỉnh, chính xác

Trong khi tỷ lệ săn mồi thành công của sư tử chỉ rơi vào khoảng 27-30%, tỷ lệ này ở chó hoang châu Phi lên đến 80%, một con số phải nói là cao khủng khiếp, vượt trội so với sư tử và báo. Chúng thường đi săn thành đàn lớn với số lượng khoảng 20 con, có thể cùng nhau hạ gục 1 con mồi lớn hơn chúng gấp nhiều lần như ngựa vằn, linh dương đầu bò.


Chó hoang có thể truy đuổi con mồi liên tục 8km và tốc độ nhanh nhất có thể lên đến 66km/h.

Bộ hàm của chúng có thể tạo ra cú cắn uy lực lên đến 240.000kg/m2, hàm dưới của chó hoang to hơn chó nhà nhiều và răng hàm của chúng có chức năng róc thịt khỏi xương. Thậm chí chúng còn cướp con mồi của những loài đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn như sư tử, linh cẩu hay cá sấu.

Quan sát chó hoang châu Phi săn mồi, bạn sẽ biết tại sao chúng được ngợi ca là những “thợ săn đỉnh nhất” của châu Phi.

Hầu hết các động vật ăn thịt dựa vào tài ngụy trang âm thầm tiếp cận và hạ gục con mồi nhưng chó hoang châu Phi rất hiếm khi phải sử dụng chiến thuật này, chúng sinh ra để chinh phục con mồi bằng những cuộc rượt đuổi.

Với thị lực tốt và sức bền đáng kinh ngạc, chó hoang có thể truy đuổi con mồi liên tục 8 km và tốc độ nhanh nhất có thể lên đến 66 km/h. Thông thường chúng sẽ dồn đuổi con mồi cho đến khi con mồi kiệt sức và gục ngã, không chống trả được và làm thịt con mồi.

Để có săn được 1 con mồi lớn, các thành viên trong đàn cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn.

Trước khi đuổi bắt con mồi, chúng tỏa ra bao vây và chọn mục tiêu. Một con tiến gần đến con mồi, 1 con khác di chuyển chặn sườn và các con khác dàn hàng xen kẽ. Mục đích của chúng là tách mục tiêu đã định khỏi đàn, bao vây mạn sườn và áp sát không cho con mồi chạy thoát. Đó là cách đi săn vô cùng hiệu quả và khoa học với các loài sống bầy đàn.

Còn nếu con mồi thuộc loại nhỏ, chúng chỉ việc đè nghiến xuống đất và xé toạc bằng bộ hàm khỏe mạnh vào hàng bậc nhất thế giới tự nhiên. Ngoài ra, chó hoang châu Phi rất thông minh khi biết cách giao tiếp với nhau khi săn mồi, những con chó không ngừng để cho các thành viên khác biết cả vị trí của mình và của con mồi.

Cập nhật: 05/05/2020 Theo Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video