Vì sao con người cảm giác bị rơi xuống vực khi ngủ?

Cảm giác bị rơi xuống vực, giật mình tỉnh giấc khi đang ngủ được gọi là hiện tượng giật cơ đầu giấc ngủ (hypnagogic jerks), xảy ra ở 60-70% người dân.

Giật mình khi đang ngủ say là hiện tượng phổ biến. Một số người cho biết họ tỉnh giấc vì cảm giác đột nhiên rơi xuống vực sâu hoặc rơi từ nhà cao tầng. Số khác thấy tiếng nổ lớn, ánh sáng chói lòa trong đầu. Nhiều người gặp tình trạng co giật đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.

Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng giật cơ đầu giấc ngủ (hypnagogic jerks), đặc trưng bởi những cơn co giật ngắn, đột ngột và mạnh của các bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể. Cánh tay và chân có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một số người phát ra tiếng kêu lớn trong vô thức. Giật cơ thường xảy ra trong giai đoạn một của chu kỳ ngủ, khi mọi người ngủ chưa sâu giấc.

"Điều này có thể khiến bạn giật mình tỉnh giấc trước khi có cơ hội chìm vào giấc ngủ", Raj Dasgupta, phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck của Đại học Nam California, giải thích.

Chris Breitigan, nhà sản xuất podcast 29 tuổi đến từ Huron, Ohio, cho biết đôi khi anh tỉnh dậy với một trải nghiệm khá kỳ quái. "Tôi sắp buồn ngủ và có cảm giác ai đó đang cù lét mình. Nó bắt đầu từ lưng, di chuyển xuống chân, khiến tôi giật mình", anh cho biết.

Theo các nhà khoa học, trải nghiệm này có thể kèm theo tim đập nhanh, thở gấp, đổ mồ hôi, mơ một cách sống động hoặc ảo giác. Giật cơ đầu giấc ngủ có thể xảy ra ở đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi, thường không đáng lo ngại. Theo phó giáo sư Dasgupta, gần 70% dân số bị giật cơ vào một thời điểm nào đó trong đời.

"Về mặt y học, giật cơ khi ngủ được phân loại là một dạng chuyển động nhanh, không chủ ý. Ví dụ điển hình của tình trạng rung giật cơ là hiện tượng nấc cụt", ông nói.

Các nhà nghiên cứu ước tính 60-70% mọi người nhớ lại trải nghiệm của họ, nếu tình trạng này xảy ra không thường xuyên. Tuy nhiên, giật cơ thường xuyên có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và mất ngủ, đặc biệt với những người bị ảo giác ngã xuống vực thẳm, ngã từ tòa nhà cao tầng trước khi tỉnh dậy.


Một người phụ nữ đang ngủ. (Ảnh: Freepik).

Các chuyên gia chưa biết chính xác nguyên nhân con người giật mình khi ngủ, song họ tin rằng uống quá nhiều caffein và căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần có thể làm tăng tần suất co giật.

"Mệt mỏi hoặc thiếu ngủ cũng có thể góp phần tạo ra tình trạng ngày. Tuy nhiên, phần lớn cơ co giật khi ngủ xảy ra ngẫu nhiên ở những người khỏe mạnh", phó giáo sư Dasgupta nói.

Ông cho biết giật mình khi ngủ thường vô hại, không cần điều trị. Tuy nhiên, ông khuyến nghị mọi người kiểm tra sức khỏe nếu có các triệu chứng như giật cơ nhiều lần trong ngày, chấn thương do giật mình khi ngủ, cắn vào lưỡi, tè dầm khi ngủ.

"Giật mình khi ngủ đôi khi bị nhầm lẫn với động kinh. Dù có vẻ giống nhau, chúng có một số điểm khác biệt chính. Động kinh là hậu quả nghiêm trọng, có thể phát sinh từ tình trạng bệnh lý cơ bản", Dasgupta nói.

Mặt khác, cơn co giật khi ngủ là hiện tượng lành tính, không liên quan đến bất kỳ tình trạng sức khỏe hay mối lo ngại nào. Chúng chủ yếu chỉ gây phiền phức, mệt mỏi ngắn hạn.

Dù vậy, đối với một số người, tình trạng giật mình xảy ra liên tục trong nhiều đêm, gây mệt mỏi, mất ngủ. Phó giáo sư Dasgupta đề xuất giảm lượng caffein, đồ uống có cồn, tránh uống cà phê, rượu bia vào buổi chiều và ban đêm. Rượu có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ. Tuy nhiên, khi cơ thể chuyển hóa xong cồn, bạn sẽ tỉnh giấc, đặc biệt là vào nửa đêm. Điều này làm tăng mệt mỏi, dễ gây giật mình.

Phó giáo sư Dasgupta đề xuất thiền, chánh niệm trước khi đi ngủ. Thư giãn cơ thể giúp quá trình chuyển vào giấc ngủ dễ dàng hơn, khiến cơ bắp ít co giật.

"Một trong những cách tốt nhất giúp bạn chìm vào giấc ngủ là tập trung vào hơi thở. Hầu hết bài tập yêu cầu thở chậm và sâu", ông nói.

Cập nhật: 23/02/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video