Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá ra bí mật tại sao tình yêu có thể khiến chúng ta "mù quáng", sẵn sàng làm mọi thứ mà khi "tỉnh táo" chính bản thân cũng coi là điên rồ, phi lý và lố bịch.
Theo trang Daily Mail, công nghệ quét sinh học đã cho phép các chuyên gia thần kinh hé lộ các hình ảnh lạ thường về những gì xảy ra trong bộ não của chúng ta lúc "say nắng". Họ đã sơ đồ hóa các thay đổi hóa học trong bộ não, đồng thời phát hiện những phần của bộ não được kích hoạt cũng như những phần tạm ngưng hoạt động trong thời gian yêu đương.
Khi yêu, các khu vực kiểm soát sự sợ hãi, những cảm xúc tiêu cực hay sự
suy xét và thấu cảm trong bộ não của chủ thể bị "tắt điện". (Ảnh: Daily Mail)
Kết quả quét não cho thấy, các khu vực kiểm soát sự sợ hãi, những cảm xúc tiêu cực hay sự suy xét và thấu cảm đã "tắt điện" khi chủ thể say đắm ai đó. Điều này giúp lý giải tại sao khi yêu, mọi người cảm thấy hạnh phúc đến như vậy với thế giới và không e sợ bất cứ điều gì sai trái.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ngoài cảm giác hạnh phúc, tình yêu cũng có thể khiến chúng ta trở nên bồn chồn, lo lắng và không kiên định. Họ hy vọng những khám phá này một ngày nào đó sẽ giúp lý giải tại sao một vài người trong chúng ta có thể đi quá giới hạn khi liên quan đến đối tượng tình cảm của mình.
Giáo sư Zeki tin rằng, bộ não có thể cư xử theo cách trên vì "các mục đích sinh vật học cao hơn", nhiều khả năng nhất là vì sự sinh sản. Nếu khả năng suy xét tạm ngừng hoạt động, các cặp bị coi là "đôi đũa lệch" nhất cũng có thể đến với nhau và sinh con đẻ cái.
Tuy nhiên, khi yêu, chúng ta vẫn có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng khác trong cuộc đời mình, từ ký kết một thỏa thuận kinh doanh tới quyết định một món thế chấp mới. Điều này gây khó khăn hơn cho bạn bè muốn cảnh báo chúng ta đang lao vào quan hệ yêu đương mù quáng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất hóa học dopamine trong não ở những người đang yêu cao hơn ở những người bình thường. Dopamine đóng vai trò chủ chốt đối với những trải nghiệm của chúng ta về sự vui thú và nỗi đau, liên quan đến khao khát, sự nghiện ngập và tình trạng phởn phơ. Việc tăng cao hoạt chất này có thể dẫn đến các cảm giác tưởng thưởng, khiến "khổ chủ" khó mà từ bỏ tình yêu. Các thử nghiệm phát hiện, việc sử dụng các chất gây nghiện như cocaine cũng tạo ra hiệu ứng tương tự về dopamine như ở tình yêu.
Tình yêu như chất gây nghiện, khiến con người có
thể bất chấp mọi thứ để có được nó. (Ảnh: Alamy)
Tác dụng phụ của việc tăng hàm lượng dopamine là làm giảm một chất hóa học khác có tên serotonin, một hoóc môn chủ chốt đối với tâm tính và khẩu vị của chúng ta. Hàm lượng serotonin có thể giảm tương tự như ở những người mắc một rối loạn ám ảnh - cưỡng chế nào đó. Điều này giúp lý giải tại sao tình yêu có thể khiến chúng ta cảm thấy lo lắng và bồn chồn.
Hóa chất tình yêu chúng ta quen thuộc nhất là adrenaline. Hoóc môn này là nguyên nhân khiến nhịp tim của chúng ta nhảy tưng tưng trong lồng ngực, lòng bàn tay, bàn chân túa mồ hôi và miệng thì khô đắng khi nhìn thấy "người trong mộng". Adrenaline cũng chính là hoóc môn được giải phóng khi chúng ta sợ hãi. Điều này đồng nghĩa, hai người chỉ hơi thích nhau nhưng có thể biến thành tình yêu cuồng si nếu cùng nhau có một trải nghiệm thú vị hoặc rùng rợn nào đó. Nó cũng có thể giúp lý giải sức hấp dẫn của tình yêu bị cấm đoán.
Các nhà tâm lý học vẫn đang cố gắng tìm hiểu tại sao một số người lại trở nên ám ảnh đến mức nguy hiểm và sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ vì tình yêu. Tiến sĩ David Nias, một chuyên gia tâm lý về giới tính, nhận định: "Cảm xúc yêu đương tung hỏa mù cho những con thiêu thân mất kiểm soát. Nó trở thành một rối loạn tâm thần và dẫn họ đến ảo tưởng. Đáng buồn là chúng ta không biết nhiều về nguyên nhân gây ra nó".
Dẫu vậy, nếu những người lụy tình được chữa trị, giúp họ học cách nghĩ khác và tích cực hơn, họ có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về tình yêu và nhìn lại một cách đầy kinh ngạc về cách họ từng cư xử. Theo tiến sĩ Nias, có một kiểu người đặc biệt dễ lâm vào cảnh lụy tình là đa cảm và giàu trí tưởng tượng.