Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một lần được nghe tới cái tên gấu trúc - một loài động vật đáng yêu được coi như "quốc bảo" của Trung Quốc. Trong quá khứ, gấu trúc từng có mặt trên khắp châu Á và châu Âu.
Những chiếc răng gấu bí ẩn ở Bulgaria
Gấu trúc hay còn gọi là gấu trúc khổng lồ (tên gọi khác là Ailuropoda melanoleuca, nghĩa: "con vật chân mèo màu đen pha trắng") là một loài gấu có nguồn gốc ở Trung Quốc. Nó dễ dàng được nhận ra bởi các mảnh màu đen, lớn xung quanh mắt, trên tai, và tứ chi nó. Tuy thuộc về bộ Carnivora (bộ Ăn Thịt), nhưng chế độ ăn của gấu trúc gồm hơn 99% là tre, trúc.
Tuy thuộc bộ ăn thịt nhưng chế độ ăn của gấu trúc gồm hơn 99% là tre, trúc. (Ảnh: NatGeo)
Ở thời cổ đại, gấu trúc được coi là một loài thú hiếm và kỳ lạ, chúng được mệnh danh là "quái thú". Chúng được mô tả trong các truyền thuyết dân gian là loại quái thú chuyên ăn sắt, báo và bọ cạp. Trong cuốn "Lịch sử của Tư Mã Thiên: Năm hoàng đế Ban Ji" từng ghi lại rằng gấu trúc được sử dụng để chiến đấu. Điều này đã cho thấy gấu trúc không phải là một loài vật hiền lành, dễ thương, yếu ớt như vẻ ngoài của chúng.
Gấu trúc thường được tìm thấy ở những dãy núi thuộc Tứ Xuyên và Thiểm Tây, Trung Quốc. Mặc dù, gấu trúc được coi là loài đặc hữu của Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng, trước đây, những con gấu trúc từng lang thang khắp châu Á và thậm chí là cả châu Âu. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về những loài gấu trúc có họ hàng với gấu trúc khổng lồ Trung Quốc ở Hungary, Tây Ban Nha và Bulgaria.
Những chiếc răng hóa thạch được tìm thấy ở Bulgaria. (Ảnh: NatGeo)
Sự thật này đã được "tìm thấy" kể từ cuối thập niên 1970. Một công nhân làm việc ở mỏ than phía Tây Bắc Bulgaria tình cờ phát hiện ra hai chiếc răng đã hóa thạch. Sau đó, anh ta đã mang chúng tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia để nhờ các chuyên gia thẩm định. Đáng tiếc, sau đó những chiếc răng này đã bị lãng quên trong hàng thập kỷ.
Mãi tới khi, Nikolai Spassov, một nhà cổ sinh vật học đang làm việc đúng tại vị trí mà Nikolov đã để lại sau khi ông nghỉ hưu và mất quyết định đem những chiếc răng đi kiểm định. Spassov cho biết, những chiếc răng này đã thuộc về một con vật đã chết cách đây ít nhất 5-7 triệu năm, thuộc vào kỷ địa chất Messinian.
Sự trùng khớp giữa răng hóa thạch được tìm thấy ở Bulgaria và răng của gấu trúc hiện đại. (Ảnh: NatGeo)
Nghi ngờ con vật đã chết ấy chính là gấu, Spassov đã đem nó so sánh với hóa thạch của những loài gấu nâu xuất hiện ở vùng này. Kết quả không như mong đợi, ông thấy hai mẫu vật không có sự trùng khớp đặc biệt.
Bất ngờ thay trong một lần tình cờ nhìn thấy những mẫu răng của gấu trúc khổng lồ Trung Quốc, Spassov chợt nhận ra sao nó giống với mẫu răng mình đang nghiên cứu đến vậy. Ông đã lật lại các hồ sơ để khẳng định đây phải là những mẫu răng của gấu trúc.
Hình ảnh hoàn chỉnh của gấu trúc cổ đại ở châu Âu được dựng lại từ hóa thạch được tìm thấy. (Ảnh: NatGeo)
Từ những hóa thạch được tìm thấy, các nhà khảo cổ đã mô phỏng lại cấu trúc xương của chúng và tạo ra hình ảnh hoàn chỉnh của loài gấu trúc ở châu Âu. Tuy nhiên, sau khi trải qua một biến cố khí hậu, được gọi là Cuộc khủng hoảng độ mặn Messinian xảy ra ở cuối kỷ Miocen đã khiến nước biển rút đi tới 70 mét. Những hồ nước ngọt trên cạn vì thế cũng bốc hơi. Điều này tiếp tục dẫn tới sự tuyệt chủng của hàng loạt loài thực vật và cả các loài động vật sống phụ thuộc vào nó, trong đó có gấu trúc châu Âu. Do đó, chỉ còn những con gấu trúc ở Trung Quốc tồn tại tới ngày nay.
Hành trình trở thành quốc bảo của Trung Quốc
Gấu trúc là bảo vật quốc gia của Trung Quốc. (Ảnh: NatGeo).
Gấu trúc được chỉ định là bảo vật quốc gia hoàn toàn là nhờ một người nước ngoài – cha Armand David. Năm 1862, cha David đã phát hiện ở Trung Quốc một "tấm da gấu đen trắng rất đặc biệt". Ông cho rằng gấu trúc "sẽ trở thành một loài động vật mới rất thú vị ".
Vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa quan tâm và bảo vệ gấu trúc, David rất yêu quý loài vật này nên đã săn lùng khắp nơi, tìm cách đưa loài vật này ra khỏi Trung Quốc. Kể từ đó, một tình yêu dành cho gấu trúc đã được hình thành trong những người nước ngoài, và để có được gấu trúc, các quốc gia đã cử người đến Trung Quốc để tìm kiếm chúng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lượng gấu trúc khổng lồ giảm mạnh, ở thời điểm đó, ít nhất 200 con gấu trúc còn sống đã được gửi ra nước ngoài, còn số con bị chết trong quá trình vận chuyển.
Do bị săn bắt quá nhiều, gấu trúc từng rơi vào cảnh suýt bị tuyệt chủng. (Ảnh: NatGeo)
Mãi cho đến những năm 1940, Trung Quốc mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chính phủ nước này đã bắt đầu tích cực bảo tồn gấu trúc. Vào năm 1988, Trung Quốc chính thức xác định gấu trúc là loài động vật cần bảo vệ cấp 1 quốc gia. Đây cũng là thời điểm mà gấu trúc chính thức trở thành "quốc bảo" của Trung Quốc, sau hàng chục năm đối diện với nguy cơ sinh tồn từ nạn săn bắn.
Ngày nay, gấu trúc được coi như một món quà vô cùng quý giá mà Trung Quốc dành tặng cho nhiều quốc gia. (Ảnh: NatGeo)
Kể từ đó, gấu trúc được coi như một món quà vô cùng quý giá, được gọi là: "Ngoại giao gấu trúc". Trung Quốc đã tặng gấu trúc như một món quà ngoại giao cho nhiều quốc gia như Nga, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản…