Vì sao một số người khó đưa ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta liên tục phải lựa chọn. Mặc dù ai cũng có lúc đưa ra những quyết định đáng tiếc nhưng hầu hết mọi người đều rút được kinh nghiệm từ những sơ xuất đó.

Đối với một số người mắc bệnh như là tâm thần phân liệt và rối loạn sử dụng thuốc, trước đây gọi là “lạm dụng thuốc”, thì việc đưa ra những lựa chọn đúng đắn đôi khi cực kỳ khó khăn.

Trên thực tế, nhiều bệnh tâm thần liên quan đến sức khỏe nhận thức (suy nghĩ và lĩnh hội), trong đó có trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.Khả năng ra quyết định của những người khỏe mạnh cũng khác nhau, đôi khi là do di truyền.

Điều gì đang xảy ra trong não của những người này khiến cho họ khác với những người khác?

Ngay cả những quyết định đơn giản cũng phức tạp

Điều quan trọng cần lưu ý là trong tình huống hàng ngày, không có lựa chọn nào là hoàn toàn “đúng” hay “sai”. Tuy nhiên, một số lựa chọn dẫn đến những kết quả tốt hơn hoặc có tác dụng hơn cho chúng ta và những người xung quanh.

Bộ não của chúng ta thực hiện một loạt các quy trình phức tạp khi đưa ra quyết định. Có 4 yếu tố quan trọng trong mỗi quyết định chúng ta đưa ra, đó là: giá trị, động lực, hành động và chiến lược (hay là lập kế hoạch thực hiện các hành động để đạt được giá trị mong đợi).

Khi lựa chọn giữa hai phương án A hoặc B, đầu tiên chúng ta cần hiểu phương án nào sẽ bổ ích hơn hoặc mang lại nhiều giá trị hơn. Sau đó động lực cá nhân để đạt được giá trị này mới tham gia vào tính toán xem phương án nào sẽ mang lại giá trị đó.

Hiểu được cần phải thực hiện hành động nào để đạt được A hoặc B cũng quan trọng. Kết hợp tất cả những thông tin này, chúng ta cố gắng hiểu chiến lược nào sẽ tối đa hóa giá trị của lựa chọn. Và dần dần theo thời gian, điều đó giúp chúng ta nâng cao khả năng ra quyết định, càng về sau chúng ta càng có xu hướng lựa chọn tốt hơn.


Có nhiều quá trình ra quyết định trong bộ não giúp xác định những lựa chọn của chúng ta.

Những kết nối bị đứt quãng

Chúng ta liên tưởng đến lịch sử của bản thân và các kinh nghiệm trước đây để có các lựa chọn về sau. Nhưng rối loạn tâm thần thường gây ra các vấn đề trong quá trình ra quyết định.

Nghiên cứu cho thấy những người bị tâm thần phân liệt thường khó có thể hiểu được mối quan hệ giữa hành động của họ với hậu quả của những hành động đó. Điều này có nghĩa là họ có thể sẽ luôn lựa chọn A, ngay cả khi họ biết nó không còn có giá trị bằng B nữa. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận những chiến lược mà họ có ít thông tin hơn về kết quả, nói cách khác là họ “vội vàng đi đến kết luận”.

Rối loạn sử dụng thuốc, cụ thể là với các chất kích thích như là ma túy đá (methamphetamine) hay cocaine, thường làm cho mọi người bị mắc kẹt, không có lối thoát khi một số  kết quả nào đó thay đổi. Ví dụ: nếu chúng ta đảo ngược ý nghĩa của đèn giao thông là đỏ tức là “đi” và xanh tức là “dừng lại” mà không nói với bất kỳ ai, thì hầu hết mọi người đầu tiên sẽ cảm thấy sốc nhưng sau đó sẽ thay đổi hành vi của mình để tuân theo. Nhưng với những người phụ thuộc vào chất kích thích, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để học cách dừng khi gặp đèn xanh, ngay cả khi họ luôn bị tai nạn khi đi theo tín hiệu cũ. Đó là vì việc sử dụng quá nhiều các chất kích thích đã tác động đến những vùng não có nhiệm vụ thích ứng với các thay đổi của môi trường xung quanh.

Bộ não giải mã từng quyết định như thế nào?

Bộ não con người chứa rất nhiều mạch (giống như các đường dẫn) và chất truyền dẫn thông tin gọi là “chất dẫn truyền thần kinh”. Hai yếu tố này chịu trách nhiệm hướng dẫn các quá trình để ra quyết định.

Các vùng khác nhau của vỏ não tham gia tính toán các quá trình khác nhau trong não. Vỏ não trước giúp chúng ta hiểu khi nào thì cần có một chiến lược để thay đổi được thành công. Vì thế, nếu chúng ta thay tất cả đèn giao thông bằng còi báo hiệu thì vỏ não trước sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó và điều chỉnh hành vi.

Khi kết quả thấy trước được của một lựa chọn thay đổi (ví dụ: A trước đây tốt hơn, nhưng rồi bỗng nhiên B trở nên tốt hơn), thì vỏ não trán ổ mắt sẽ giúp chúng ta xác định được điều đó. Tương tự như vậy, vùng vân chính là chìa khóa để nhìn thấy trước được kết quả sẽ là gì và khi nào chúng ta sẽ nhận được kết quả đó.

Dopamine giúp biến lựa chọn của bạn thành hiện thực

Nghiên cứu sâu cho thấy bộ não của những người bị tâm thần phân liệt có nhiều vùng hoạt động khác với người thường và điều đó ảnh hưởng xấu đến việc ra quyết định của họ.

Đối với các triệu chứng loạn thần quan sát được trong bệnh tâm thần phân liệt (như là ảo giác và ảo tưởng), những thay đổi trong chất dẫn truyền thần kinh dopamine là rất quan trọng. Dopamine (hay còn gọi là hóc môn hạnh phúc) là một hóa chất trong não, là yếu tố then chốt trong việc ra quyết định và kiểm soát các hành động, việc làm cụ thể để tiến hành theo lựa chọn của chúng ta.

Dopamine trong vùng vân tăng lên có thể gây ra các vấn đề cho não trong việc tổng hợp thông tin từ vùng vỏ não, khiến cho việc ra quyết định trở nên khó khăn. Tuy nhiên, chỉ một số ít cá nhân gặp phải vấn đề này.

Các chất kích thích cũng gây ra hiện tượng giải phóng quá nhiều dopamine. Chất kích thích có thể làm thay đổi cân bằng giữa các hành vi hướng đến mục tiêu (vốn linh hoạt và là phản xạ khi môi trường thay đổi) và các thói quen (vốn tự động và khó phá vỡ).

Thông thường, khi chúng ta học một điều gì đó mới, bộ não chúng ta liên tục thích ứng và tiếp nhận, tổng hợp thông tin mới. Nhưng việc này diễn ra chậm và đòi hỏi phải có nhận thức. Sự phụ thuộc vào thuốc có thể đẩy nhanh tiến triển của một người đạt đến hành vi theo thói quen, mà ở đó một chiến lược hay một phản ứng trở nên ăn sâu không thể thay đổi.

Việc này lại khiến cho người đó khó có thể ngừng sử dụng thuốc, ngay cả nếu người đó không còn cảm thấy thích thú với việc dùng thuốc nữa.


Vỏ não là lớp có nhiều nếp nhăn bao phủ bộ não. Vùng vân nằm bên dưới vỏ não, ở não trước.

Làm thế nào để giúp mọi người ra quyết định tốt hơn

Thật không may là các vấn đề về khả năng nhận thức rất khó chữa. Không có phương thuốc hiệu quả nào để cải thiện nhận thức cho bệnh tâm thần phân liệt hay sự phụ thuộc vào thuốc kích thích. Đây là hậu quả của tính phức tạp của bộ não con người.

Chỉ có một số cách giúp người ta cải thiện trí nhớ và cải thiện việc ra quyết định, và trong một số trường hợp có thể áp dụng những cách này cho những người bệnh tâm thần liên quan đến vấn đề nhận thức.

Ví dụ: liệu pháp chỉnh sửa nhận thức là một cách tiếp cận hành vi luyện cho bộ não phản ứng tốt hơn với một số tình huống nhất định. Với những người bị tâm thần phân liệt, liệu pháp này có thể cải thiện trí nhớ ảo và cải thiện khả năng ra những quyết định phức tạp.

Không thể điều khiển các quyết định hàng ngày là một trong những biểu hiện của những rối loạn tác động đến nhận thức. Nó làm cho người bệnh khó khăn trong việc duy trì công việc, giữ được bạn bè và có cuộc sống bình thường, đầy đủ.

Chúng ta cần có thêm nghiên cứu để hiểu được các bộ não khác nhau ra quyết định khác nhau như thế nào và hy vọng rằng từ đó chúng ta có thể cải thiện cuộc sống cho những người mắc bệnh tâm thần.

Cập nhật: 15/10/2020 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video