Covid-19 không chỉ gây nguy hiểm với người cao tuổi. Những người trẻ, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền, cũng gục ngã trước căn bệnh chưa tìm ra thuốc chữa này.
Trước khi mắc Covid-19 vào tháng 6/2020, Stephanie Moir, 33 tuổi, ở Florida, Mỹ, hầu như giữ thói quen chạy bộ mỗi ngày tại nhà khi trông 2 con nhỏ. Nhưng Covid-19 ập đến, cô gặp khó khăn trong mọi việc, kể cả bước ra khỏi giường, tắm gội. Stephanie phải chiến đấu với Covid-19 trong nhiều tháng và hậu quả nó mang lại chưa có hồi kết.
Tám lần bà mẹ 2 con phải đến phòng cấp cứu, 2 lần nằm viện vì một loạt vấn đề như viêm phổi, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, nhiễm trùng, viêm thận, yếu cơ, mất cân bằng điện giải. Stephanie sụt gần 14 kg kể từ khi bị bệnh.
"Tôi đã nghĩ mình là người khỏe mạnh cho đến khi mắc Covid-19. Tôi chưa từng gặp điều gì khủng khiếp như vậy. Cảm giác như sắp chết", NBC News dẫn lời bệnh nhân.
Người trẻ nhập viện và tử vong vì Covid-19 tăng cao
Tháng 9/2020, gia đình bác sĩ Adeline Fagan, 28 tuổi, ở Houston, Texas, Mỹ, thông báo cô đã tử vong sau thời gian dài nằm viện. Trước đó, sức khỏe của Adeline vốn rất tốt. Nữ bác sĩ đã thua trong cuộc chiến với Covid-19.
Natalie Hakala, 22 tuổi, ở Mỹ, là sinh viên kiêm vận động viên khỏe mạnh, phải nhập viện cấp cứu vào tháng 8/2020 sau khi có kết quả dương tính với nCoV. Cô vẫn chưa bình phục hoàn toàn sau gần một năm mắc căn bệnh này.
Bác sĩ Adeline Fagan qua đời ở tuổi 28 sau khi mắc Covid-19. (Ảnh: Guardian).
Laura Mae, 27 tuổi, ở Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ, rất ngạc nhiên khi biết tin mình mắc Covid-19. Sau khi ra ngoài vào 14/3/2020, Laura bị đau họng, sốt, ớn lạnh và hoàn toàn kiệt sức. Sau đó, cô được chẩn đoán dương tính với nCoV.
"Đó là cú sốc lớn. Tôi không thể tin một thanh niên 27 tuổi khỏe mạnh, không có vấn đề gì về miễn dịch, lại bị bệnh", Laura bày tỏ. Sau đó, cô luôn cảnh báo những người trẻ tuổi khác về nguy cơ lây nhiễm nCoV bất kỳ khi nào.
"Bạn có thể trẻ, khỏe mạnh và tự mình chống chọi với điều này. Nhưng có những người cuối cùng phải nhập viện và bị cướp mất sự sống. Đó không phải trò đùa. Covid-19 có thật và cái chết cũng vậy", nữ bệnh nhân lên tiếng.
Nhiều nghiên cứu mới phát hiện Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng với thanh, thiếu niên. Ngay cả những người trẻ tuổi, không mắc bệnh nền, nguy cơ gặp biến chứng và tử vong rất cao.
Theo một phân tích dữ liệu của Washington Post, tính đến tháng 4/2020, ít nhất 759 người dưới 50 tuổi ở Mỹ đã chết vì Covid-19. Trong đó, 45 bệnh nhân tử vong ở độ tuổi 20, 190 người khoảng 30 tuổi và 413 ca trong nhóm 40 tuổi.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ trên hơn 1.400 ca nhập viện liên quan Covid-19 cho thấy nhóm bệnh nhân dưới 50 tuổi chiếm 25%. Hầu hết họ đều gặp vấn đề sức khỏe trước đó. Nhưng đặc biệt, 7 người thậm chí có sức khỏe rất tốt và không ai nghĩ họ sẽ tử vong vì Covid-19.
Một bài báo công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine vào tháng 9/2020 cho thấy trong số hơn 3.200 người lớn (18-34 tuổi) nhập viện vì Covid-19, 21% nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), 10% phải thở máy, gần 3% - tương đương 88 bệnh nhân - tử vong.
Trong số những người sống sót, 3% (99 bệnh nhân) phải tiếp tục nằm viện để điều trị các biến chứng, di chứng sau đó mà Covid-19 gây ra.
Những bữa tiệc đông đúc bất chấp đại dịch được cho là một trong các nguyên nhân khiến dịch lây lan ở người trẻ. (Ảnh: Getty Images).
Tác giả của nghiên cứu, Giáo sư, tiến sĩ Scott Solomon, Trường Y Harvard, cho biết: “Phần lớn thanh niên mắc Covid-19 sẽ không cần nhập viện. Tuy nhiên, kết quả này rất đáng lo ngại”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tháng 6-8/2020, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Mỹ cao nhất lại thuộc nhóm thanh niên (20-29 tuổi). Người lớn từ 30 đến 39 tuổi đứng thứ 2.
Một trong những lý do lây nhiễm xuất phát từ việc nhiều người trẻ tham gia các buổi tiệc tùng đông đúc. Các bác sĩ lo ngại tình trạng lây nhiễm sẽ tiếp tục xảy ra và số người trẻ bị bệnh nặng, phải nhập viện, tử vong cũng vì thế tăng cao.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất chịu ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 tấn công người trẻ.
Năm 2020, bà Maria Van Kerkhove, đại diện của WHO, cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Một số quốc gia tại châu Âu, người trẻ tuổi tử vong trở thành vấn đề đáng lo, nhất là khi họ hoàn toàn khỏe mạnh trước đó, không bị bệnh nền".
Covid-19 không buông tha bất kỳ lứa tuổi, giới tính, dân tộc nào. (Ảnh: Getty Images).
Tiến sĩ Gregory, Ba Lan, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic, khuyến cáo chúng ta không nên chủ quan Covid-19 là bệnh của người già. Đồng quan điểm, Giáo sư, tiến sĩ Lewis Kaplan, Bệnh viện Đại học Pennsylvania, ở Philadelphia, Mỹ, cảnh báo ngay cả những người trẻ tuổi, không có bệnh nền cũng có thể bị nặng khi mắc Covid-19.
Nguyên nhân?
Đến nay, nguyên nhân nhiều người trẻ, khỏe mạnh, không bị bệnh nền lại tử vong khi mắc Covid-19 vẫn là ẩn số với ngành y học thế giới. Các chuyên gia sức khỏe tìm nhiều cách để giải thích. Họ có một số giả thuyết.
Đầu tiên, nhiều người cho rằng một số bệnh nhân trẻ có khuynh hướng di truyền, dễ gặp tình trạng nghiêm trọng khi mắc Covid-19 hơn người khác.
Nhà nghiên cứu y sinh Philip Murphy, Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, giải thích với tạp chí Science: "Các biến thể trong thụ thể gene ACE2 của một người có khả năng khiến virus xâm nhập vào tế bào phổi dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn". Ở một số người, đây là cơ hội để nCoV tấn công và hủy diệt họ.
Trong khi đó, nhà virus học Michael Skinner, Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết: "Rất có thể một số người chứa cấu tạo gene khiến cơ thể dễ phản ứng tồi tệ, nghiêm trọng khi nhiễm virus".
Vì sao nhiều người trẻ, khỏe mạnh, tử vong vì Covid-19 vẫn là ẩn số với các chuyên gia. (Ảnh: FT).
Giả thuyết thứ 2 là nồng độ chất hoạt động bề mặt ở nhiều bệnh nhân thấp. Đây là chất mà cơ thể sản xuất để giúp phổi giãn nở hoặc co lại. SARS-CoV-2 tấn công và khiến chất này thiếu hụt, phổi lập tức bị tổn thương. Theo CNN, nếu một bệnh nhân thiếu đi hợp chất này, phổi của họ sẽ căng cứng. Điều này lý giải vì sao nhiều bệnh nhân trẻ, khỏe phải thở máy xâm nhập ngay khi mới nhiễm virus.
Cũng có giả thuyết cho rằng virus gây ra cơn bão cytokine ở một số bệnh nhân trẻ tuổi. Các protein cytokine là một phần của hệ thống miễn dịch. Nếu hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với tác nhân bên ngoài như virus, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, tấn công chính phổi của nạn nhân và khiến cơ quan này ngừng cấp oxy. Hậu quả, bệnh nhân bị suy hô hấp, khả năng tử vong rất cao.
Giả thuyết thứ 4 là do biến chủng nCoV mới. Các biến chủng mới xuất hiện mang theo nhiều ưu thế của virus. Bệnh nhân tiếp xúc các biến chủng này dễ bị nặng hơn những người khác, ngay cả người trẻ, khỏe cũng không ngoại lệ.
Nhà virus học Alison Sinclair, Đại học Sussex, cho biết: "Một số người có tải lượng virus cao, cơ thể chứa đầy những hạt mang trùng. Điều này dễ thấy ở ca bệnh nhiễm biến chủng mới như B.1.1.7, B.1.3.51". Tuy nhiên, ông chưa biết tải lượng virus có tác động đến các triệu chứng của người mắc Covid-19 hay không. Giả thuyết này vẫn đang được tìm hiểu.
Covid-19 không bỏ qua cho bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước đại dịch là tuân thủ các quy định phòng, chống Covid-19, sớm tiêm vaccine nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.