Đó là những lời khuyên từ các chuyên gia khi thấy giới trẻ đam mê công nghệ đang dần mất đi khả năng đọc hiểu vấn đề.
Máy tính cùng những thiết bị công nghệ cầm tay đang dần thay thế giấy và bút chì, điều đó khiến một số nhà giáo dục cho rằng có còn quan trọng để dạy viết cho học sinh? Mặc dù có những ý kiến cho rằng viết tay là kĩ năng không cần thiết nhưng những nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng viết tay giúp trẻ chú ý và hiểu ngôn ngữ tốt hơn.
"Thật hoang đường khi cho rằng viết tay chỉ là kĩ năng vận động tinh (khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay, đây là cơ sở để để phát triển khả năng nghệ thuật của đôi tay và luyện viết chữ đẹp). Đó thật sự là một sai lầm ngây thơ", bác sĩ Virginia Berninger – giáo sư Trường ĐH Washington phát biểu trên tờ The New York Times.
Viết tay giúp tăng cường khả năng đọc hiểu.
"Chúng ta sử dụng nhiều phần trong bộ não để lên kế hoạch và kiểm soát mọi thứ nhưng tất cả những thứ quan trọng đều tập trung trong trung khu ngôn ngữ và thị giác. Đó là những nếp cuộn não hình thoi nơi những tác nhân kích thích thị giác trở thành kí tự và từ ngữ", bà Virginia nói thêm.
Bạn phải nhìn thấy những kí tự được lập trình sẵn trong não thì mới có thể viết chúng ra giấy, bà Virgina giải thích. Việc quét não đã chỉ ra rằng quá trình hoạt hóa ở khu vực ngôn ngữ và thị giác thì khác nhau ở những trẻ gặp vấn đề với việc viết tay và những trẻ bình thường.
Laura Dinehart – phó giáo sư của Trường ĐH Quốc tế Florida đã nhấn mạnh rằng trình độ viết tay và những thành tựu trong học thuật có sự liên kết với nhau. Cô ấy giải thích rằng những trẻ viết chữ đẹp thường đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra vì một sự thật hết sức đơn giản: bài làm của chúng dễ đọc hơn.
Một điều khác là những người gặp rắc rối với việc viết có lẽ tin rằng họ đã dành quá nhiều thời gian để lắp ghép các con chữ nên họ thường làm quấy quả cho xong khi có việc cần phải sử dụng đến giấy bút.
Bác sĩ Dinehart tin rằng trẻ con đã hình thành kĩ năng viết tay ngay từ sớm, trước cả khi học mẫu giáo và chúng càng ngày càng tiến bộ hơn. Bà Dinehart cũng phát hiện ra rằng những thứ được dạy ở trường mẫu giáo sẽ giúp trẻ em phát triển các kĩ năng để hoàn thành các công việc phức tạp. Những công việc này đòi hỏi sự phối hợp của quá trình nhận thức và thần kinh.
Trẻ con đã hình thành kĩ năng viết tay ngay từ sớm.
Karin James ở trường ĐH Indian đã tiến hành thí nghiệm về quét não ở những trẻ em không biết viết. "Não của chúng không biệt được các kí tự", bà giải thích. James tiếp tục tiến hành những cuộc thử nghiệm khác sau khi những đứa trẻ kia được dạy viết và bà phát hiện ra những điều thú vị. Phần não hoạt động phản ứng với các kí tự cho thấy sự gia tăng mối liên kết của việc đọc hiểu, mặc dù bọn trẻ vẫn ở giai đoạn đầu của việc học viết. "Những kí tự chúng tạo ra rất lộn xộn và thay đổi liên tục nhưng chúng rất tốt cho bọn trẻ để học mọi thứ. Điều này dường như là một lợi ích to lớn của việc viết tay", bà James nói.
Tuy nhiên việc đánh máy lại không hề tạo ra những phản ứng trên não bộ và giúp tăng cường việc đọc hiểu như viết tay.
Chữ viết tay nói gì về bạn? Thuật xem tướng dựa vào nét chữ là việc nghiên cứu chữ viết tay. Xem tướng chữ phân tích các đặc tính vật lý, các kiểu mẫu của chữ viết tay để đoán biết được trạng thái tâm lý cũng như những đặc điểm cá nhân của con người. Viết bao gồm ba thứ: chuyển động, khoảng cách giữa các con chữ và hình dạng, và những nhà xem tướng chữ nghiên cứu những sự biến đổi trong từng nét chữ của con người để đưa ra nhận định. "Tất cả chúng ta đều được dạy viết khi ở trường, nhưng rõ ràng rằng mỗi người có những nét chữ khác nhau. Tại vì chữ viết tay là biểu hiện của trạng thái tâm lý trên trang giấy và chúng thì độc nhất vô nhị như ADN của chúng ta", ông Adam Band – một nhà xem tướng chữ cho biết. |