Tâm lý ngại đẻ, không muốn lập gia đình khiến số trẻ sơ sinh của Nhật Bản chỉ đạt 900.000 trong năm nay, mức thấp nhất trong 120 năm.
Thống kê của cơ quan phúc lợi nhà nước công bố ngày 24/12, số lượng trẻ em sinh ra ở Nhật Bản đã giảm khoảng 5,9% trong năm 2019. Số trẻ mới sinh đạt mức thấp nhất kể từ năm 1899, khi chính phủ bắt đầu tổng hợp dữ liệu.
Các chuyên gia nhận định tỷ lệ sinh thấp sẽ tạo áp lực tài chính lên chế độ phúc lợi và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Hiện, quỹ lương hưu của chính phủ đang gánh nặng cho một xã hội với dân số già hóa nhanh chóng.
Số lượng trẻ em được sinh ra ở Nhật Bản đã giảm còn dưới 900.000, năm 2019. (Ảnh: AFP).
Trong năm 2019, Nhật Bản có 864.000 ca sinh, giảm 54.400 ca so với năm ngoái. Tỷ lệ sinh giảm phần nhiều là bởi tâm lý "ngại đẻ" của phụ nữ từ 25 đến 39 tuổi.
Yasushi Mineshima, phát ngôn viên của Viện Nghiên cứu An ninh Xã hội và Dân số Quốc gia nhận định: "Tỷ lệ sinh đẻ tại Nhật Bản giảm nhanh hơn nhiều so với mức dự đoán chính thức".
Tỷ suất sinh của nước này bắt đầu giảm từ năm 1970, đạt mức thấp nhất vào năm 2005, sau đó trải qua sự phục hồi chóng vánh và giảm trở lại vào năm 2016.
Ông Mineshima tin rằng cuộc khủng hoảng dân số của Nhật Bản phần nhiều là do nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thu hẹp. Nhiều người trì hoãn việc sinh con vì không muốn gác lại sự nghiệp. Độ tuổi trung bình của người mẹ khi con đầu lòng chào đời đã tăng từ 25,6 năm 1970 lên 30,7 vào năm 2018.
Nguyên nhân khác khiến tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm mạnh là ý muốn sống độc thân của nhiều người trẻ. Trong khi đó, quan niệm truyền thống châu Á vẫn khiến nhiều người kỳ thị những phụ nữ "không chồng mà chửa", dẫn đến số người ngại sinh con gia tăng.