Không phải tất cả các trò game đều chỉ gồm yếu tố bạo lực và giải trí, theo các nhà sản xuất, video game còn giúp tăng cường năng lực tinh thần cũng như lòng tự trọng trong mỗi người chơi.
Phấn khởi trước thành công do trò game Brain Age của Nintendo đem lại, một nhóm các nhà viết game đã không ngại “đầu tư” chất xám vào những tính toán hết sức phức tạp, hy vọng có thể khai thác sức mạnh và sự phổ biến của game video phục vụ mục đích phát triển năng lực tinh thần con người.
Một trong số đó phải kể tới hãng Dimple Entertainment có trụ sở tại Tokyo. Đây cũng là hãng dự kiến tháng 5 tới sẽ tung ra tựa game độc đáo DS Therapy cho dòng máy cầm tay DS của Nintendo.
Bên cạnh đó, giáo sư tâm lý Mark Baldwin thuộc Đại học McGill ở Montreal, Canada cũng đang nuôi hy vọng, trò game mới MindHabits Booster do ông thiết kế sẽ giúp người chơi tự tin hơn.
Game Dance Dance Revolution. |
Trò game hướng tới việc tạo khả năng đương đầu với những vấn đề bất an, căng thẳng cho người chơi bằng cách buộc họ thường xuyên lặp lại thao tác chọn hình mặt cười, biểu thị sự tán thành trong một nhóm các khuôn mặt nhăn nhó. Cách làm này sẽ rèn người chơi quen với việc chấp nhận thực tế mà không bị “stress”.
Ông Baldwin giải thích: “Tất cả những điều đó chỉ là chuyển sự chú ý từ điều này sang điều khác, nhưng nó có thể tạo ra khác biệt đáng kể (ở khía cạnh tự trọng và giảm bớt căng thẳng)”. Ông Baldwin dự kiến sẽ công bố các kết quả nghiên cứu về game của mình vào cuối năm nay.
Trong khi đa số các nghiên cứu game video hiện nay vẫn hướng tới việc tìm hiểu mối liên hệ giữa các trò game bạo lực và xu hướng ứng xử thô bạo của người chơi, vẫn có ngày càng đông bộ phận nghiên cứu muốn chứng tỏ khía cạnh tích cực của trò chơi này.
Nghiên cứu do Đại học West Virginia tiến hành gần đây là một ví dụ. Theo điều tra của họ, việc thường xuyên chơi game Dance Dance Revolution đã giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ, thay đổi quan điểm, lối ứng xử của những trẻ được chơi game này.
Hay như các nhà nghiên cứu thuộc đại học Rochester mới đây cũng công bố phát hiện, trẻ em và người lớn có nhu cầu chơi game vì họ muốn khoả lấp những thiếu thốn về nhu cầu tâm lý cơ bản như cơ hội thành đạt, sự tự do và có cảm giác được kết giao với người khác.
Với bà Mary Jane Zamora, năm nay 50 tuổi thì chẳng cần học thuyết khoa học nào chứng minh cả, bởi với bà, tình trạng phục hồi sức khoẻ đáng kể nhờ chơi game video đã là chứng cứ “hùng hồn” nhất.
Bà Zamora người vùng Redondo Beach, California hồi phục đầy ngạc nhiên sau lần mắc chứng ung thư vú, nhờ chơi các trò game thể thao như golf, bowling và tennis trên máy Wii của Nintendo, bà đã lấy lại được sức khoẻ cũng như sự nhanh nhẹn vốn có.
Bà cho biết, chính những trò game tạo cảm giác cho người chơi sự vận động như chơi thật đã khiến bà có niềm tin tạo dựng cuộc đời mới sau “hàng năm trời sống trong sợ hãi”.
Đỗ Dương