Đội quân đất nung là một phần quan trọng trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Khoảng 8000 bức tượng có niên đại hơn 2200 năm với kích cỡ bằng người thật đã được phát hiện tại đây.
Đội quân đất nung được phát hiện ngày 29 tháng 3 năm 1974 gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Đây là Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận.
Theo các nhà khảo cổ, những bức tượng đất nung được chế tác trong thời gian rất dài, với một kỹ thuật công phu vượt xa thời đại của chúng đến hàng thiên niên kỷ.
Mỗi bức tượng trong đội quân đất nung đều vô cùng độc đáo, mỗi bức tượng đều có nét mặt mang biểu cảm riêng, kiểu tóc và trang phục riêng.
Các bức tượng trong đội quân đất nung có chiều cao từ 175 - 190cm. Mỗi bức tượng đều khác nhau về cử chỉ và nét mặt, một số bức tượng thậm chí còn có màu sắc khác biệt. Đội quân này đã góp phần tiết lộ nhiều về công nghệ, quân sự, nghệ thuật và văn hóa của nhà Tần.
Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Dù bị hư hại do thời gian, mỗi bức tượng vẫn còn màu sơn riêng nổi bật. Những bức tượng tạo thành khung cảnh rực rỡ nhiều màu: đỏ, xanh, tím và vàng.
Đội quân đất nung được xây dựng bởi hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng, người bắt đầu xây dựng quân đội vào năm 246 trước Công nguyên sau khi ông lên ngôi khi mới 13 tuổi. Đây là một đội quân của Hoàng đế Tần ở thế giới bên kia. Người ta tin rằng những vật thể như tượng có thể sống lại ở thế giới bên kia. Hàng nghìn năm sau, những người lính vẫn đứng vững và thể hiện trình độ thủ công và nghệ thuật phi thường từ 2200 năm trước.
Các thợ thủ công Trung Quốc thời xưa tạo ra những bộ phận riêng biệt và nung nóng trước khi ghép lại thành bức tượng đất nung hoàn chỉnh.
Hơn 700.000 công nhân đã mất khoảng 40 năm để hoàn thành các bức tượng.
Việc xây dựng các chiến binh đất nung bắt đầu vào năm 246 trước Công nguyên, khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, và kết thúc vào năm 206 trước Công nguyên, 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời.
Đội quân đất nung vẫn còn nguyên vẹn dưới lòng đất trong hơn 2200 năm và được những người nông dân địa phương tình cờ phát hiện khi đang đào giếng vào năm 1974 ở Tây An. Phát hiện này đã thúc đẩy các nhà khảo cổ Trung Quốc tham gia vào cuộc tìm kiếm và khám phá ra địa điểm khảo cổ vĩ đại nhất ở Trung Quốc.