Tại Việt Nam, ung thư trực tràng là một trong 5 loại ung thư thường gặp. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng.
Mỗi năm Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận khoảng 300 ca ung thư trực tràng được phẫu thuật, trong đó có 8% người bệnh dưới 40 tuổi.
Mới đây, khoa Ngoại tiêu hóa, vừa điều trị thành công ung thư trực tràng cho hai bệnh nhân bằng phương pháp nạo hạch chậu. Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Chị Đào (46 tuổi, ở Tiền Giang) đã được mổ ung thư trực tràng cách đây 2 năm. Sau khi tái khám bác sĩ phát hiện khối hạch di căn rất lớn (50 mm) vùng chậu bên trái. Thông thường trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị tiếp. Tuy nhiên, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu bên trái cho người bệnh, giúp lấy trọn các tế bào ung thư còn sót lại.
Theo các bác sĩ ung thư trực tràng ngày càng trẻ hóa. (Ảnh: N.P).
Anh Trịnh (37 tuổi, ở TP.HCM) bị ung thư trực tràng. U nhỏ (dưới 1 cm) nhưng đã bị di căn hạch chậu trái (2 khối 25-30mm). Sau khi hội chẩn ung thư, các bác sĩ quyết định cắt u trực tràng kèm nạo hạch chậu trái cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới, chiếm 9% tần suất các loại ung thư. Ở Việt Nam, bệnh đứng trong top 5 loại ung thư thường gặp.
Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư đại trực tràng tương đối cao. Theo một nghiên cứu tại TP.HCM, tần suất ung thư đại trực tràng là 14,8/100.000 dân (nam giới) và 10/100.000 dân (nữ giới). Độ tuổi mắc bệnh của ung thư đại trực tràng thường là tuổi trung niên và tuổi già, tần suất cao nhất từ 60-70 tuổi.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư đại trực tràng vẫn gặp ở người trẻ với tỷ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 2-10%. Bệnh ở người trẻ thường có mức độ ác tính cao và tiên lượng xấu hơn so với người lớn tuổi.