Mưa sao băng Lyrids diễn ra vào cuối tuần với khoảng 20 vệt mỗi giờ là hiện tượng thiên văn đáng chú nhất tại Việt Nam trong tháng này.
Hiện tượng trên thường kéo dài từ ngày 16 đến 25/4 hàng năm và cực điểm thường rơi vào đêm 22 hoặc 23/4, với khoảng 15-20 vệt sao băng mỗi giờ.
Chòm sao Lyra, trung tâm trận mưa sao băng. (Ảnh: Greg Smye-Rumsby/astronomynow).
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, ở Việt Nam thời điểm quan sát tốt nhất là rạng sáng 22/4, trước lúc mặt trời mọc.
Chòm sao Lyra, trung tâm trận mưa sao băng mọc lên khá cao ở hướng Đông và dần lên cao trên thiên cầu vào khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng. Người xem dễ dàng nhận ra nó vì có 4 ngôi sao sáng hợp thành hình bình hành gần như hoàn chỉnh, bên cạnh đó là một ngôi sao rất sáng khác là sao Vega (Chức Nữ).
Người xem có thể quan sát bằng cách nhìn lên bầu trời phía đông, nơi chòm sao Lyra (thiên cầm) - trung tâm của trận mưa sao băng mọc khá cao. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, thời điểm này trùng với ngày trăng tròn (tức là đêm 15, rạng sáng 16 âm lịch) nên tầm nhìn sẽ bị cản trở đáng kể.
Mưa sao băng là hiện tượng hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn thiên thạch nhỏ lần lượt lao vào khí quyển trái đất và cháy sáng khi trái đất đi tới vùng quỹ đạo có các đám thiên thạch. Các đám thiên thạch này thường là hậu quả của các sao chổi khi chúng đi qua quỹ đạo của trái đất.