Dự kiến vào đầu năm 2007, Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn - Phó Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ trả lời phỏng vấn về sự kiện này.
Ông Sơn cho biết:
GS-TSKH Nguyễn Khoa Sơn (Ảnh: TTO) |
Viện có chức năng nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực khoa học và Công nghệ vũ trụ; thực hiện các nhiệm vụ của chiến lược Công nghệ vũ trụ; triển khai, ứng dụng KH-CN vũ trụ vào thực tiễn và cụng cấp các dịch vụ về ứng dụng Công nghệ vũ trụ.
* Việc đầu tiên của Viện khi đi vào hoạt động là gì?
- Ưu tiên số một và quan trọng nhất là Viện sẽ tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vệ tinh, vì đây là công nghệ nền tảng của Công nghệ vũ trụ. Công nghệ này liên quan đến việc thiết kế, chế tạo để đưa vào quỹ đạo các vệ tinh và khai thác sử dụng chúng một cách có hiệu quả.
Theo hướng này, Viện sẽ tích cực triển khai dự án "Vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất". Đây là một nhiệm vụ quan trọng đã được Nhà nước giao cho Viện KH-CN Việt Nam thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2010.
Việc thứ hai là nghiên cứu và phát triển công nghệ viễn thám, mà thực chất là công nghệ thu và sử dụng các ảnh vệ tinh. Sau khi vệ tinh chụp ảnh gửi về Trái đất thì chúng ta phải thu lấy nó, tích hợp thành cơ sở dữ liệu, phân tích khai thác các thông tin thu được theo các mục tiêu như nghiên cứu, quản lý tài nguyên môi trường, phòng tránh thiên tai hoặc quy hoạch phát triển.
146 triệu USD cho vệ tinh Vinasat Dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong quý 2-2008) với vốn đầu tư 3.854 tỷ đồng, vừa nhận được hợp đồng tài trợ 146 triệu USD (2.312 tỷ đồng) do hai Ngân hàng Công thương và Thương mại Việt Nam ký kết. |
Thứ ba là triển khai các nghiên cứu liên quan đến phát triển cơ sở khoa học cho những việc trên. Đó là những nghiên cứu động lực học vũ trụ, điều khiển các vật thể bay, vật liệu vũ trụ, điện tử học vũ trụ...
* Liệu chúng ta có đủ điều kiện triển khai ngay những công việc trên?
- Để thực hiện được các công việc chuyên môn nêu trên, trong giai đoạn đầu Viện ưu tiên nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo nguồn lực cán bộ nghiên cứu, đồng thời từng bước xây dựng và phát triển cơ sở vật chất như các phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, lắp ráp vệ tinh và trạm thu, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu viễn thám... Đây là các lĩnh vực vừa khả thi vừa cần thiết mà Việt Nam có thể ứng dụng được ngay, hơn thực nữa, chúng ta đã có quá trình chuẩn bị nên có thể nói đã "đủ lực" để thực hiện những vấn đề đó. Lĩnh vực viễn thám chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, còn công nghệ vệ tinh thì ta đã bước đầu đào tạo được một số cán bộ chuyên môn.
* Đây là một lĩnh vực công nghệ mới, Viện đã chuẩn bị những gì để đi vào hoạt động có hiệu quả?
- Viện KH-CN Việt Nam sẽ sớm ra quyết định về quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Viện Công nghệ vũ trụ. Tiến tới chúng tôi sẽ điều động một số phòng nghiên cứu và tập hợp một số cán bộ khoa học liên quan đến vệ tinh, viễn thám, điện tử hiện có của Viện... để làm nòng cốt ban đầu cho Viện Công nghệ vũ trụ. Ngoài lực lượng anh em tập hợp lại thì chúng tôi phải tuyển thêm cán bộ trẻ được đào tạo về lĩnh vực tương ứng.
Chúng tôi cũng đã có kế hoạch bố trí diện tích làm việc cần thiết, trang bị các điều kiện vật chất ban đầu cho công việc nghiên cứu của Viện. Bên cạnh đó, Viện KH-CN Việt Nam đang tập trung chỉ đạo các bộ phận có liên quan, trong đó có Viện Công nghệ vũ trụ, khẩn trương hoàn thành xây dựng báo cáo khả thi cho dự án vệ tinh nhỏ của Viện để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
* Xin cảm ơn ông!