Chile triển khai nhiều công nghệ chống động đất mới

  •  
  • 631

Lúc 3 giờ 34 phút ngày 27/2/2010 tại Chile, một trận động đất với cường độ 8,8 độ Richter đã san bằng nhà cửa, cầu đường và hệ thống ống dẫn nước, cướp đi sinh mạng của 525 người và gây thiệt hại lên tới 30 tỉ USD. Song song đó, mạng điện thoại đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn khiến hàng triệu người không thể liên lạc với người thân và các nhà chức trách cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa ra những lời cảnh báo.

>>> Cảnh báo động đất nhờ phần mềm điện thoại

Trong hai năm qua, đất nước này phải hứng chịu hơn 40 trận động đất có cường độ trên 6 độ Richter. Vì vậy, người dân nước này đã cài các ứng dụng cảnh báo động đất vào điện thoại thông minh để có thể dễ dàng truy cập, cung cấp báo cáo thực tế từ mạng xã hội, tổng hợp thông tin từ các cơ quan dự báo trên thế giới và xác định những khu vực nguy hiểm trên Google Maps. Tuy nhiên, các nhà chức trách Chile muốn làm nhiều hơn thế, bằng cách áp dụng những công nghệ hiện có trên một quy mô lớn hơn hoặc xúc tiến các ý tưởng chưa từng được thử nghiệm trong hoàn cảnh động đất.

Bảo toàn các tòa nhà

Một trong những công nghệ cơ bản và triển vọng nhất là hệ thống cách ly địa chấn do công ty Sirve (Chile) xây dựng, có thể giúp các tòa nhà nguyên vẹn trong khi tất cả mọi thứ xung quanh đều bị phá vỡ. Những kết cấu thép khổng lồ sẽ hỗ trợ các tòa nhà từ bên dưới, hoạt động giống như một bộ phận giảm xóc của ôtô. Chúng hoạt động độc lập với mặt đất đang rung chuyển và chống chịu sự rung lắc, thay vì để mặc tòa nhà bị tác động. Thêm vào đó, những khối bê tông to lớn có trọng lượng bình quân 160 tấn được treo bên trong tòa nhà có thể đu đưa giống như một quả lắc, giúp cân bằng lại sự rung chuyển của mặt đất, từ đó ổn định cấu trúc của tòa nhà.

Hệ thống cách ly địa chấn của Sirve sẽ không để các tòa nhà bị phá hủy như thế này.
Hệ thống cách ly địa chấn của Sirve sẽ không để
các tòa nhà bị phá hủy như thế này. (Ảnh: BBC)

Sirve tuyên bố công nghệ này có thể giảm tới 90% thiệt hại về mặt cấu trúc đối với những tòa nhà dưới 15 tầng, còn với những tòa nhà trên 15 tầng, tỷ lệ này là 50%. Bằng chứng là sau trận động đất năm 2010, tất cả 13 công trình ở Chile được xây dựng với hệ thống của Sirve, bao gồm tòa nhà cao nhất nước với 52 tầng ở thành phố Santiago vẫn an toàn, trong khi hơn 370.000 ngôi nhà khác đã bị phá hủy. Sirve cho biết nhu cầu về hệ thống cách ly địa chấn đã tăng gấp 3 lần vào năm ngoái và chính phủ Chile dự tính ứng dụng công nghệ này vào việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp.

Cung cấp nước sạch trong thảm họa

Một vấn đề lớn khác phát sinh sau động đất là cung cấp nước cho các cộng đồng dân cư, khi mà đường ống dẫn nước bị phá hủy. Phương pháp đơn giản của Tohl - một công ty phân phối nước sạch có trụ sở tại thành phố Atlanta (Mỹ) có thể giải quyết vấn đề này. Một đường ống dẫn làm bằng polyethylene, một loại nhựa tổng hợp mềm dẻo, trong suốt, chống thấm nước và cách điện, được lắp vào nguồn nước, đầu còn lại được một máy bay trực thăng kéo đi và đưa nước tới những cộng đồng bị mắc kẹt giữa đống đổ nát. Khác với các kiểu ống nước thông thường, đường ống của Tohl có thể kéo liên tục đến những nơi cách xa từ 500 mét đến vài km, giá thành thấp và thời gian lắp đặt ngắn, chẳng hạn, việc đặt một đường ống dài 1km chỉ mất vài phút.

Công nghệ cảnh báo khẩn cấp

Khi một thành phố xảy ra chấn động, điều đầu tiên mọi người nghĩ tới chính là những người thân yêu của họ. Nhưng khi người ta cố dùng điện thoại cố định và điện thoại di động để liên lạc thì mạng điện thoại thường bị quá tải. Điều này ảnh hưởng đến việc chính quyền đưa ra cảnh báo. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Chile đã nhập khẩu một công nghệ cảnh báo khẩn cấp vào năm 2011.

Phần mềm do công ty eVigilo của Israel phát triển sử dụng hệ thống cảnh báo dựa vào mặt địa lý nhằm giúp giới chức đưa ra những thông tin cảnh báo đồng loạt đến hệ thống máy tính, máy nhắn tin và điện thoại di động cũng như các đài phát thanh và truyền hình. Hàng triệu người sẽ tiếp cận được tin nhắn cảnh báo chỉ trong vài giây cho dù tất cả các mạng điện thoại đang trong tình trạng ách tắc. Hệ thống này tuy chưa được thử nghiệm trong động đất thật nhưng công ty Sirve tin tưởng cùng với những công nghệ khác, công nghệ này có thể cứu sống rất nhiều người khi thảm họa xảy ra.

Theo Báo Cần Thơ, BBC
  • 631