Bệnh nhân Đào Xuân Trường (10 ngày tuổi) sau phẫu thuật nội soi thoát vị cơ hoành. |
Sau khi bé Đào Xuân Trường cất tiếng khóc chào đời, các bác sĩ đã lo lắng cho sự sống của cháu bé vì cháu bị thoát vị cơ hoành. Ngay lập tức, cháu được chuyển về Bệnh viện Nhi. Giám đốc bệnh viện Nguyễn Thanh Liêm đã trực tiếp xem xét tình trạng bệnh của bệnh nhi và quyết định mổ nội soi để xử lý thoát vị cơ hoành.
Lúc này tình trạng của bệnh nhân rất nguy cấp, các tạng ở ổ bụng chui lên ngực đã chèn ép phổi, suy hô hấp nặng. Tuy nhiên, một bài toán khó đối với các bác sĩ là bệnh nhân quá bé, mới chỉ có mấy ngày tuổi, nguy cơ tử vong rất cao. Các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã vượt qua được khó khăn đó. Cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân Trường đã thành công.
Một bệnh nhân nhi khác chỉ nặng có 1,8 kg, bị thoát vị cơ hoành mới vài ngày tuổi khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch. Sau cuộc hội chẩn gấp gáp, các bác sĩ quyết định mổ nội soi cho bệnh nhi này và kết quả ngoài mong đợi, bệnh nhân đã có cơ hội sống.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi, hằng năm có khoảng 20-30 trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng thoát vị cơ hoành. Nhiều trẻ được cứu sống, nhưng cũng có không ít trẻ do đến viện quá muộn, tình trạng suy hô hấp nặng nên không cứu chữa được.
TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: “Chúng tôi quyết định đưa phẫu thuật nội soi thoát vị cơ hoành vào bệnh nhi sơ sinh là cố gắng rất lớn. Vì đứa trẻ mới sinh còn rất yếu, nếu bị thoát vị cơ hoành, nguy cơ tử vong rất cao, nhưng vẫn có thể cứu được. Chỉ có phương pháp phẫu thuật nội soi mới có cơ hội cứu sống trẻ. Quyết định áp dụng phẫu thuật nội soi xử lý thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh chính bởi lý do đó”.
Từ năm 2000, Bệnh viện đã ứng dụng nội soi phẫu thuật bệnh lý thoát vị cơ hoành trên bệnh nhân nhi và trở thành nước thứ ba trên thế giới thực hiện thành công phương pháp này. Nhưng trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến thêm một bước nữa là mổ nội soi thoát vị cơ hoành trên bệnh nhân nhi sơ sinh. Thành công này đã được giới y học thế giới ghi nhận, Việt Nam là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật trên ở trẻ sơ sinh.
Trước đây, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, xử lý thoát vị cơ hoành không có cách nào khác là mổ mở. Tỷ lệ tử vong sau mổ cao và phụ thuộc vào thời gian xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp. Khi phẫu thuật nội soi ra đời, các nhà phẫu thuật Mỹ đã áp dụng kỹ thuật này để xử lý thoát vị cơ hoành, nhưng họ đã không thành công khi mổ nội soi cho bệnh nhân sơ sinh.
TS Nguyễn Thanh Liêm nói: “Bệnh nhi sơ sinh thoát vị cơ hoành thường suy hô hấp nặng, do đó việc làm đầu tiên là phải hồi sức nhanh chóng, chứ không đưa ngay vào phòng mổ như trước đây. Quan trọng nhất vẫn là người thực hiện kỹ thuật phải thao tác chính xác, gây mê hồi sức và duy trì ôxy trong suốt thời gian mổ”.
Giới nhi khoa thế giới đã công nhận tài năng của các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương như là một bước tiến mới của y học. Một lần nữa, tay nghề các bác sĩ nhi Việt Nam đã được ghi nhận và hơn thế nữa là rất nhiều bệnh nhân nhi được cứu sống, khi không may mắc căn bệnh bẩm sinh - thoát vị cơ hoành.