Đông Nam Á được xem là “rốn bão” của thế giới và Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngày 25/8, Hội nghị châu Á về đánh giá tác động thiên tai đã khai mạc tại TP Huế với sự tham gia của hơn 60 chuyên gia đầu ngành đến từ 20 quốc gia trên thế giới và Liên hiệp quốc.
Theo số liệu tại hội nghị, thiên tai ở châu Á chiếm gần 40% của thế giới và thiệt hại do thiên tai gây ra tại châu lục này chiếm gần 60% của thế giới. Khu vực Đông Nam Á là “rốn bão” và là một trong những khu vực chịu nhiều thiệt hại, dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu do lụt, bão, nước biển dâng, hạn hán… Trong đó, Việt Nam là một trong số 10 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Lũ nhấn chìm nhà dân ở xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế năm 2009.
Ảnh: Trần An
Theo đại diện Tổ chức Khí tượng thế giới, mức độ tích tụ carbon dioxide và các chất gây hiệu ứng nhà kính hiện đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Hậu quả tất yếu của tình trạng này là sự thay đổi khí hậu, sự tăng lên về tần suất và cường độ các loại thiên tai trên thế giới. Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng khô hạn xảy ra liên tiếp trong 2 năm 2009-2010 ở Australia, Việt Nam và châu Phi; hiện tượng băng tan ở hai cực với ghi nhận độ lớn khủng khiếp của tảng băng tách ra ở Alaska là 250km; gần đây nhất là lũ lụt và sạt lở đất ở Trung Quốc, Pakistan.
Theo ông Joshi - Giáo sư Nhân chủng học xã hội - Chủ tịch nhân chủng học Y tế Ấn Độ, Việt Nam may mắn chưa xảy ra động đất, nhưng tình trạng bão và lụt diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những chiến lược lâu dài về quy hoạch đô thị, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch quỹ đất...
Một nghiên cứu được đưa ra tại hội nghị cho thấy, ở Ấn Độ, khi xảy ra động đất, những ngôi nhà được xây dựng theo kỹ thuật hiện đại bị sập nhiều hơn những nhà được xây dựng theo kỹ thuật truyền thống. Đó là lý do khiến các quốc gia cần chia sẻ những kiến thức bản địa cho nhau để ứng phó với thiên tai.