Việt Nam thuộc nhóm các nước có cộng đồng dân cư duyên hải bị hiện tượng mực nước biển dâng đe dọa trực tiếp, trong bối cảnh thiên tai khí hậu khiến hơn 42 triệu người tại châu Á rơi vào cảnh mất nhà suốt hai năm qua.
“Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ hứng chịu thiên tai nhất nếu xét trên cả phương diện số lượng thiên tai và số người bị tác động”, một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được công bố tại thành phố Bangkok ở Thái Lan, khẳng định.
Báo cáo - mang tên "Addressing Climate Change and Migration in Asia and the Pacific", nghĩa là Giải quyết Biến đổi Khí hậu và Di cư tại châu Á Thái Bình Dương - cho biết, khoảng 31,8 triệu người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mất nhà do các thảm họa liên quan tới khí hậu vào năm 2010, bao gồm hơn 10 triệu người mất nhà vì lũ lụt diện rộng tại Pakistan. 10,7 triệu người khác buộc phải bỏ nhà vào năm ngoái do thiên tai.
Người dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) dọn dẹp
bùn đất do nước lũ tràn vào nhà. (Ảnh: Trí Tín)
Mực nước biển dâng cũng có thể dẫn tới ngập lụt ven biển, một điều có thể tác động trực tiếp tới nhiều cộng đồng dân cư ở khu vực này. Tại Đông Nam Á, hầu hết các cộng đồng như thế là ở Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, bản báo cáo nói trên cho hay.
“Nhiều người dân mất nhà trở lại quê hương khi các điều kiện sống cải thiện, song vô số người khác không gặp kết cục may mắn như thế, bởi họ phải vật lộn để xây dựng cuộc sống mới tại một nơi khác”, Bindu Lohani, phó chủ tịch ADB, phát biểu.
6 nước châu Á nằm trong số 10 quốc gia sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bangladesh và Ấn Độ đứng đầu danh sách 6 nước đó. Nepal, Philippines, Afghanistan và Myanmar lần lượt chiếm những vị trí tiếp theo.
Người dân và trâu trên những chiếc thuyền trong một trận
lũ ở ngoại ô thành phố Patna, Ấn Độ vào tháng 9/2011. (Ảnh: AP)
“Môi trường đang trở thành một yếu tố quan trọng đối với hoạt động di cư ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh dân số tăng tại những vùng dễ bị thiên tai tấn công – như các vùng duyên hải thấp hay các bờ sông bị xói mòn. Các chính phủ không nên trì hoãn hành động. Bằng cách thực thi các biện pháp đối phó ngay từ bây giờ, các chính phủ có thể giảm mức độ tàn phá của thiên tai, tăng khả năng chống thiên tai của người dân và biến hoạt động di cư thành một dạng công cụ thích nghi với biến đổi khí hậu, chứ không phải là hành động thể hiện sự tuyệt vọng”, ông Lohani cảnh báo.
ADB đề nghị các nước đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ cơ bản để đáp ứng nhu cầu của dòng người di cư tới những thành phố siêu lớn. Theo ADB, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần chi khoảng 40 tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2050 để ngăn chặn tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.