Báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) công bố ngày 12/3 cho biết số lượng thảm họa thiên nhiên trong 3 thập kỷ qua ở khu vực Trung Mỹ đã tăng trung bình 5% mỗi năm.
Trong thời gian từ năm 1930 đến 2009, khu vực này phải chịu tác động nặng nề của gần 260 sự kiện thời tiết cực đoan và số lượng khổng lồ các sự kiện thời tiết quy mô nhỏ khác.
ECLAC nhấn mạnh cùng với sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp do Trái Đất nóng lên, sản xuất nông nghiệp độc canh và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng làm cho nền kinh tế các nước Trung Mỹ dễ bị ảnh hưởng trước thiên tai như hạn hán, lũ lụt và bão lốc.
Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng
lên đã gây thiệt hại cho toàn khu vực Trung Mỹ là 73 tỷ USD
Thảm họa thiên nhiên gần đây nhất là trận bão nhiệt đới tháng 10/2011 tác động đến 2,6 triệu người ở 5 nước nghèo như: Costa Rica, Nicaragua, Honduras, El Salvador và Guatemala, gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD.
Báo cáo của ECLAC khẳng định do tác động nặng nề của thảm họa thiên tai, cùng với thiệt hại về cơ sở hạ tầng và sản xuất cùng giá nhập khẩu nhiên liệu tăng, lựa chọn duy nhất của các nước Trung Mỹ là thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó coi trọng hòa nhập kinh tế có trách nhiệm, nông dân và các nhà kinh doanh thực hiện các định hướng phát triển thân thiện với môi trường, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, sử dụng nhiên liệu sạch như là công cụ sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng sản xuất thực phẩm hữu cơ, năng lượng tái sinh và du lịch bền vững.
ECLAC cảnh báo nếu các nước Trung Mỹ không tìm kiếm mô hình sản xuất thay thế, tương lai của khu vực này sẽ là khủng hoảng kinh tế xã hội và lương thực triền miên.
Tính đến hết năm 2010, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên đã gây thiệt hại cho toàn khu vực Trung Mỹ là 73 tỷ USD, tương đương với 54 % tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn khu vực.
ECLAC cũng kêu gọi để vượt qua tác động của biến đổi khí hậu, các nước Trung Mỹ nên tập trung vào kinh tế nông nghiệp hộ gia đình quy mô nhỏ để đảm bảo sản xuất lương thực quanh năm, tận dụng các nguồn khí đốt sinh học, tuân thủ các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và môi trường, thúc đẩy chính sách sản xuất sạch hơn.