Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lê Đình Tiến và Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã đại diện cho Chính phủ hai nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Đại diện Việt Nam và Mỹ tại lễ ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: Tiến Dũng.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, việc ký kết này thể hiện quan điểm hợp tác của hai Chính phủ là sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, vì mục đích hòa bình; tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực hạt nhân dân sự, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng hạt nhân; tiếp cận nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy cho các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ của Việt Nam...
Nhân kỷ niệm 15 năm tái thiết lập quan hệ giữa hai nước, Đại sứ Michalak đánh giá, đây là thời khắc quan trọng trong quan hệ song phương để thúc đẩy hơn nữa những mục tiêu chung về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
"Tôi dự đoán rằng những chữ ký của chúng ta vào bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở tiến tới đàm phán hiệp định cấp Chính phủ về sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình, cho phép hai nước hợp tác hạt nhân với mức độ rộng hơn, sâu hơn", vị đại sứ Mỹ nói.
Thứ trưởng Lê Đình Tiến và Đại sứ Michalak trao biên bản ghi nhớ. Ảnh: Tiến Dũng.
Theo ông Michalak, bản ghi nhớ này sẽ tạo thuận lợi cho hai nước hợp tác, trong đó có việc xác lập nguồn nhiên liệu hạt nhân đáng tin cậy cho các lò phản ứng hạt nhân dân sự của Việt Nam trong tương lai.
Cuối năm 2009, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân. Theo đó, năm 2014 bắt đầu khởi công Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với 2 tổ máy công suất 2000MW và năm 2020 đưa vào hoạt động. Còn thời điểm khởi công Nhà máy Ninh Thuận 2 vẫn chưa được xác định.
Đây sẽ là nhà máy điện công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư dự toán 200.000 tỷ đồng.
Hiện, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác hạt nhân song phương với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Argentina.