Ngày 9/10, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), các nhà sáng tạo “nhí” của 76 đề tài đến từ các tỉnh, thành trong cả nước đã được vinh danh tại “Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7”.
Cuộc thi do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ KH&CN, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch LHH và thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ
Trần Văn Tùng trao bằng khen cho các tác giả đoạt giải nhất. (Ảnh: Bích Ngọc)
Ông Lê Đăng Thọ, Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi cho biết, số đề tài dự thi năm nay tăng 25,8% so với năm 2010. Cụ thể, đã có 415 đề tài dự thi do các tổ chức và cá nhân từ 44 tỉnh, thành phố gửi về. Số đề tài dự thi tập trung đông nhất ở lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (126 đề tài), tiếp đó đến lĩnh vực phần mềm tin học (108), đồ chơi trẻ em và đồ dùng dành cho giải trí (88).
BTC đã lựa chọn và quyết định trao giải thưởng cho 76 đề tài sáng tạo của thanh thiếu niên bao gồm: 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba và 40 giải khuyến khích. Ngoài ra, còn có một phần thưởng dành cho tác giả có mô hình đẹp nhất.
Đáng chú ý tại cuộc thi lần này là đề tài giành được giải đặc biệt với phần mềm “Vua cờ lau” của hai tác giả Phan Thanh Thanh (SN 1994) và Nguyễn Văn Thế (SN 1994), Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP. Kon Tum, tình Kon Tum. Đây là phần mềm trò chơi dựa trên cốt truyện lịch sử và dã sử về nhân vật Vua Đinh Tiên Hoàng. Hai tác giả đã dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu chính xác như Đại Việt sử ký toàn thư, Wikipedia… với nội dung trong sáng, lành mạnh, không mang tính bạo lực mà chủ yếu hướng đến mục đích giáo dục.
Hai tác giả vui mừng bên giải đặc biệt. (Ảnh Bích Ngọc)
Trong số 5 giải nhất lần này, hội đồng giám khảo đã chọn 2 đề tài là “Thuốc trừ sâu từ hạt Bình Bát” của em Lê Bảo Ngọc (SN 1994, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) và “Mô hình lắp ráp cấu trúc hình học không gian, biến đổi kích thước” của em Võ Thị Thu Hiền, Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Thuận An, Bình Dương để đề nghị Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hiệp quốc trao Huy chương vàng.
Phát biểu tại lễ trao giải, Lê Bảo Ngọc cho biết, sở dĩ em làm đề tài liên quan đến thuốc trừ sâu sinh học là vì hiện người nông dân quá lạm dụng thuốc hóa học, làm hại đến môi trường. Vì vậy với cách làm đơn giản thuốc trừ sâu sinh học chế từ 50 hạt bình bát giã nát, 10 tép tỏi pha với 20ml nước và 100cc rượu, dùng để phun cho khoảng 30m2 vừa hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh cũng như an toàn cho người và động vật.
Trong nhóm môi trường, ban tổ chức cũng đánh giá cao đề tài của tác giả Đỗ Đức Huy và Lê Duy Thái, học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam với đề tài hệ thống tự động tưới cây nhằm tái sử dụng nước sinh hoạt ở nông thôn góp phần giảm sức lao động và tiết kiệm nguồn nước. Nước thải sinh hoạt được đưa vào bể chứa, sau đó chảy vào bộ lọc, sau đó được xử lý để không làm ảnh hưởng tới cây trồng.
Một tác giả cũng để lại khá nhiều ấn tượng đó là em Lò Văn Cường, sinh năm 2003, đang học tại trường Tiểu học Hoằng Trạch, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Cường đã tự mày mò và chế tạo ra mê cung Robot dế mèn. Đây là loại đồ chơi được tác giả tận dụng các nguyên liệu bỏ đi sẵn có như bàn chải đánh răng, động cơ rung trong điện thoại, băng dính hai mặt, dây điện, pin nhỏ. Các robot được phun màu khác nhau vào thân để phân biệt. Trò chơi này có thể chơi theo nhóm hoặc đội, từ các em mẫu giáo đến người lớn đều có thể chơi được.
Theo ban tổ chức cuộc thi hầu hết các đề tài đều mang tính ứng dụng cao, có giá trị trong thực tiễn.