Thay vì làm đầu óc mụ mị, nỗi buồn chán thực chất có thể giúp kích thích sự sáng tạo, theo các nhà tâm lý ở Anh.
Tiến sĩ Sandi Mann, thuộc Đại học Central Lancashire, đề nghị sinh viên tìm cách sử dụng sáng tạo với hai chiếc cốc nhựa polystyrene thông thường. Trước thí nghiệm này, bà đề nghị một nhóm tiến hành một công việc rất tẻ nhạt là chép lại số điện thoại từ danh bạ điện thoại.
Tiến sĩ Mann khám phá ra rằng những sinh viên thực hiện thao tác nhàm chán này có nhiều cách sử dụng hai chiếc cốc hơn là nhóm không thực hiện công việc đó.
(Ảnh minh họa: Alamy)
“Buồn chán là một cảm xúc thú vị vì đến nay nó được coi là tiêu cực, nhưng lại là xúc tác thúc đẩy sự sáng tạo", bà Mann nói. "Tôi nhận ra rằng buồn chán không phải là điều tệ hại như mọi người vẫn nghĩ. Thỉnh thoảng, buồn chán lại là một điều tốt. Thời gian khi tôi trên đường đi làm hay về nhà là khoản thời gian chết nhưng nhờ có nỗi buồn chán mà nó tạo ra, tôi đã nảy ra rất nhiều ý tưởng và dự án".
Bà cho rằng các bậc phụ huynh nên thỉnh thoảng cho phép con cái mình được trải nghiệm sự buồn chán. Vì như thế, các cháu sẽ có thể sáng tao cách giải trí của riêng mình. "Không như những bậc phụ huynh khác, tôi khá vui khi con mình càu nhàu là chúng thấy chán. Tự tìm cách mua vui cho bản thân là một kỹ năng quan trọng", bà nói.
Tiến sĩ Wijand van Tillburg, thuộc Đại học Southampton, Anh cũng cho rằng buồn chán cũng có ích lợi riêng. "Nói chung, buồn chán làm ta cảm thấy khó chịu. Đồng thời cũng gây ra những cảm xúc như không muốn ngơi nghỉ và luôn muốn tiến lên phía trước", ông nói.
"Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi phát hiện ra rằng buồn chán làm cho con người muốn dấn thân vào những hoạt động mà họ cho là có ý nghĩa hơn là những việc dễ dàng. Quan trọng hơn, cảm giác khó chịu mà nỗi buồn chán mang đến còn nhắc nhở chúng ta rằng có những việc quan trọng hơn cần lưu tâm", tiến sĩ Đại học Southampton cho biết.