Vườn quốc gia Tràm Chim, một trong những nơi sẽ bị tác động mạnh nhất.
Việt Nam sẽ là một trong hai nước đang phát triển bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới khi nước biển dâng. Ít nhất, Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Tràm chim sẽ chìm sâu.
Lời cảnh báo trên của Ngân hàng thế giới được đưa ra tại hội nghị về Đa dạng sinh học và thay đổi khí hậu của Việt Nam tổ chức trong hai ngày vừa qua tại Hà Nội.
Trong kịch bản lạc quan nhất của Ngân hàng thế giới, nếu nước biển dâng lên 1 mét thì 1/4 sinh cảnh tự nhiên then chốt của Việt Nam sẽ chìm trong nước mặn, bao gồm các khu bảo tồn, khu đa dạng sinh học chính. Trường hợp xấu nhất, mực nước biển dâng 5 mét, thì 1/3 số sinh cảnh ấy sẽ bị nguy hại.
Những khu vực bị tác động bao gồm phần lớn các khu bảo tồn và đề nghị bảo tồn hiện nay vì chúng thường tập trung trên các đảo và khu vực bờ biển. Ở Đồng bằng sông Hồng là Vịnh Hạ Long, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, ở Đồng bằng sông Cửu Long là Vườn quốc gia Chàm chim.
Nguy cơ mực nước biển dâng do ba nguồn chính. Thứ nhất là sự gia tăng liên tục của hiệu ứng nhà kính, kéo theo sự ấm dần lên của Trái đất. Thứ hai, việc các dải băng ở Greenland và West Antarctic đang tan nhanh, nhiều nơi tới hơn 1 mét mỗi tháng, có thể làm toàn bộ mực nước biển dâng cao tới 5 mét. Thứ ba là việc khai thác nước ngầm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn, làm mặt đất bị sụt lún. |
Các khu đầm lầy được dự đoán là bị tác động nhiều nhất, do bị nhiễm mặn khi nước biển dâng, trong khi, chúng không chỉ là tài nguyên thiết yếu cho đa dạng sinh học mà còn có nhiều tác dụng sinh thái cho con người như nước uống, vệ sinh, cá và tưới tiêu cho lúa.
“Rõ ràng, các sinh cảnh tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang phải đối mặt cuộc khủng khoảng khi mực nước biển dâng, dù chỉ là ở mức nhất nhỏ”, ông John Pilgrim, đại diện của BirdLife tại Việt Nam (Tổ chức Chim Quốc tế) khẳng định.
Minh Thùy