Virus H5N1 đã có biến thể về gen

Dư luận đang âu lo về một vụ đại dịch cúm toàn cầu, như cảnh báo trước đó của Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng liệu điều này có xảy ra?

H5N1 đã có biến thể… 

“Virus H5N1 được phát hiện vừa qua tại Phúc Kiến (Trung Quốc) rõ ràng là đã có biến thể” - tiến sĩ Hans Troedsson, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, cho biết.

Tuy nhiên, các nghiên cứu ban đầu cho thấy đây là sự biến thể về gen (ví dụ như cùng là mắt nhưng có người mắt nâu, có người mắt đen), không phải biến đổi cách thức hoạt động khiến virus này có độc lực cao và dễ lây lan hơn như những cảnh báo trước đây. Cũng theo TS Hans, với VN điều may mắn là chưa phát hiện chủng H5N1 từng được tìm thấy tại Phúc Kiến.

Trước các dự đoán về căn nguyên H5N1 xuất hiện trở lại VN sau 13 tháng không có dịch, ông Hans lý giải: “Toàn thế giới chưa sản xuất được loại văcxin hiệu quả cho loài vịt. Đó là lý do vì sao dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại ở một số tỉnh phía Nam VN và chủ yếu xảy ra trên đàn vịt”. Trong khi đó, Tổ chức Lương nông (FAO) Liên Hiệp Quốc đang hỗ trợ VN thử nghiệm một loại văcxin mới phòng cúm gia cầm cho vịt, với hiệu quả bảo vệ cao hơn và sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhiều loài vịt khác nhau. Chia sẻ vấn đề cùng quan tâm này, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển cũng đánh giá rất cao vai trò của việc tiêm văcxin cho đàn gia cầm trong việc phòng ngừa dịch cúm H5N1.

H5N1 vẫn là một ẩn số đối với giới khoa học? Trong ảnh: lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể để xác định virus H5N1 trên vịt ở xã An Vĩnh Ngãi, thị xã Tân An, tỉnh Vĩnh Long . (Ảnh: N.C.T)

Văcxin H5N1 cho người: hiệu quả bảo vệ chỉ 70%?

TS Hans Troedsson cho biết đã có nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới công bố tham gia sản xuất văcxin phòng H5N1 cho người. Nhưng đến nay mới có một nhà sản xuất của Mỹ sản xuất được loại văcxin có kết quả khả quan. Kết quả thử nghiệm trên người cho thấy loại văcxin này có hiệu quả phòng bệnh tới 70%, tuy nhiên phải sử dụng với một liều lượng rất lớn. “Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu làm sao để giảm liều lượng văcxin tiêm vào người mà vẫn cho tác dụng tương tự” - ông Hans thông báo.

Trong khi đó, tại VN, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Văcxin và sinh phẩm Nha Trang cùng tham gia nghiên cứu, sản xuất văcxin phòng H5N1 cho người, với hai con đường hoàn toàn riêng rẽ: sản xuất văcxin phòng H5N1 từ tế bào thận khỉ (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư với sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ) và từ phôi gà (Viện Văcxin và sinh phẩm Nha Trang). Hai nhà sản xuất nói trên cũng đã sản xuất ra thành phẩm, được thử nghiệm trên động vật và đang trong quá trình xin phép thử nghiệm trên người.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, ở cấp độ quốc gia, VN thực hiện rất tốt việc phòng ngừa đại dịch. Bằng chứng là không có ca người nhiễm H5N1 nào xảy ra  ở VN (ở gia cầm và người) cả năm 2006, trong khi tại Trung Quốc, Indonesia đều có ca bị nhiễm. Tất nhiên đến nay cúm gia cầm đã trở lại. Đã có những cảnh báo phải hết sức cảnh giác bởi chủng virus biến thể đang ở rất gần chúng ta. “Một đoàn công tác hỗn hợp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, FAO, WHO đã được thành lập và đi điều tra tại các tỉnh xảy ra dịch. Gần tết là thời điểm hết sức nhạy cảm do sức tiêu thụ gia cầm gia tăng, nếu không có các biện pháp kịp thời và mạnh mẽ thì dịch hoàn toàn có thể lan rộng” - ông Hans nói.

LAN ANH - CẨM HÀ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video