Trên tờ Asia Times số ra ngày 29/11, nhà báo David Fullbrook dự đoán VN sẽ nhanh chóng trở thành quốc gia công nghệ thông tin (IT) hàng đầu khu vực, thách thức những đối thủ như Thái Lan và Philippines. Đâu là cơ sở cho những khẳng định này?
Theo nhà báo Fullbrook, nguồn đầu tư nước ngoài đang tuôn chảy vào VN, cộng với sức mạnh nội lực của hơn 600 công ty phần mềm trong nước chính là chìa khóa mở cánh cửa phát triển cho ngành IT VN. Đầu tháng mười một, Intel công bố khoản đầu tư 1 tỉ USD vào VN, chỉ vỏn vẹn chín tháng sau dự án đầu tư 300 triệu USD xây nhà máy microchip tại TP.HCM.
Canon cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất máy in trị giá 1 tỉ USD tại Hà Nội, trong khi ngày càng nhiều các sản phẩm của Alcatel, Fujitsu và Siemens mang nhãn “made in VN”.
Trong khu vực châu Á, VN vẫn đi sau Trung Quốc xét về khía cạnh thị trường, nhà cung cấp và cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, dân số VN trẻ hơn và ham học hỏi về công nghệ hơn. So với các nước khu vực, học sinh trung học VN có khả năng tốt hơn về toán học, một thuận lợi lớn đối với ngành IT. Đồng thời, theo các nhà đầu tư, môi trường kinh doanh dành cho các công ty IT tại VN thông thoáng hơn nhiều so với Trung Quốc.
Các công ty IT nước ngoài cũng luôn bị hấp dẫn bởi nguồn nhân công giá rẻ tại VN. Theo khảo sát của UNDP, mức lương trung bình của một lập trình viên có kinh nghiệm tại VN là 7.200 USD/năm, so với mức 8.900 USD/năm của Trung Quốc. Một lợi thế nữa của VN so với các nước khu vực là ngành IT nội địa luôn chú trọng vào việc đổi mới. Các công ty IT VN dành 1,42% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, so với mức nhỏ nhoi 0,15% của các công ty Thái Lan, và cao hơn mức trung bình 1,24% của khu vực.
Về phương diện hạ tầng Internet, kết nối băng thông rộng tại VN đang tăng trưởng rất nhanh, đang vượt qua ngưỡng 6.000 Mbps, tăng gấp đôi so với tháng 12/2005. Hơn 13,7 triệu người Việt, tương đương 16,5% dân số, sử dụng Internet. “Đối với Chính phủ VN, Internet đang trở thành một phần của công cuộc hiện đại hóa”, ông David Dapice, chuyên gia kinh tế phát triển ĐH Tufts, Mỹ, nhận định.
Cho dù ngành IT VN đang phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể gạch tên Thái Lan, Philippines và những nước khác trong cuộc cạnh tranh IT khu vực. Dù vậy, có thể khẳng định rằng trong thời gian tới ngành IT VN sẽ tiếp nhận thêm nhiều dòng đầu tư vốn đã có thể đổ về những nước khác trong khu vực