Một nghiên cứu mới phát hiện, những người phụ nữ e sợ hôn nhân của họ đang có nguy cơ đổ vỡ thường bắt đầu làm việc thêm giờ như "một hình thức bảo hiểm".
Các nhà nghiên cứu đến từ Trường Kinh tế London thống kê được rằng, cứ mỗi 1% tăng lên của nguy cơ đổ vỡ hôn nhân, người phụ nữ sẽ kéo dài thời gian làm việc của họ thêm 12 phút mỗi tuần. Tuy nhiên, họ phát hiện không có bằng chứng rõ ràng cho thấy đàn ông cũng thực hiện điều tương tự khi mối quan hệ tình cảm của họ gặp trục trặc.
Để đưa ra kết luận trên, nhà nghiên cứu Berkay Ozcan và các cộng sự đã sử dụng chứng nhận pháp lý về ly hôn năm 1996 của Ireland để tính toán về mức độ ảnh của đổ vỡ sau hôn nhân tới việc tham gia lực lượng lao động của phụ nữ.
Phụ nữ tăng thời lượng làm việc ngoài tổ ấm khi dự
cảm nguy cơ đổ vỡ hôn nhân tăng cao. (Ảnh: Alamy)
"Chúng tôi nhận thấy, những người phụ nữ có nguy cơ ly hôn cao thường tăng đáng kể thời lượng làm việc của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những người phụ nữ làm việc ngoài xã hội có khả năng ly hôn nhiều hơn, mà đúng hơn là, đối mặt với nguy cơ ly hôn tăng cao, phụ nữ làm việc nhiều hơn, dù rốt cuộc họ có phải chia tay người bạn đời hay không. Họ làm việc nỗ lực hơn như một dạng bảo hiểm trong trường hợp xảy ra ly hôn hoặc đề phòng đổ vỡ hôn nhân. Việc ly hôn thường có tác động nặng nề hơn đối với phụ nữ", ông Ozcan nhấn mạnh trên tờ Daily Mail.
Ở Ireland, sau khi các nhà lập pháp thông qua luật ly hôn, các phụ nữ có gia đình nhưng không theo tôn giáo nào tăng thời gian làm việc bên ngoài tổ ấm lên 18% so với những bà vợ theo đạo khác. Phụ nữ theo đạo được dùng làm nhóm đối tượng so sánh trong nghiên cứu vì họ không chịu tác động của luật ly hôn mới. Tỉ lệ ly thân của họ không đổi và tỉ lệ ly hôn gần như cũng giữ nguyên.
Sử dụng kết quả khảo sát gần 3.000 hộ gia đình ở Ireland, nhóm của ông Ozcan cũng phát hiện, việc phụ nữ tăng thời lượng tham gia công tác xã hội không hề được bù đắp bằng việc giảm thời gian "tề gia nội trợ" của họ hay việc người chồng dự phần nhiều hơn vào quá trình nuôi dưỡng con cái.
Nhà nghiên cứu Ozcan nhận định, trước nguy cơ hôn nhân tan vỡ tăng cao, nhiều người phụ nữ sẵn sàng bám víu vào công việc vì họ thường là người yếu hơn về mặt tài chính trong gia đình và hứng chịu tổn thất từ ly hôn nhiều hơn người đàn ông.
Bày tỏ sự tán đồng với nghiên cứu trên, Ayesha Vardag, một trong những luật sư ly hôn hàng đầu của Anh, nói thêm rằng: "Kinh nghiệm của bản thân tôi là, cả đàn ông và phụ nữ đều có xu hướng làm việc thêm giờ khi họ không muốn về nhà. Điều này có thể nhằm tránh đối mặt với người bạn đời khi mối quan hệ trở nên căng thẳng và đau khổ hoặc nhằm tránh những căng thẳng của việc chăm sóc con cái sau một ngày làm việc mệt lử. Hệ quả tất yếu của hiện tượng này có thể là, mặc dù đời sống gia đình trở nên kém lôi cuốn hơn, sự độc lập về nghề nghiệp và cảm giác bản thân có giá trị và hữu ích hơn sẽ trở nên quan trọng hơn".