Voi đang trên đà tuyệt chủng?

Voi Châu Phi đang bị săn đuổi để lấy ngà với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi lệnh cấm quốc tế về việc buôn bán ngà voi có hiệu lực năm 1989. Tuy nhiên sự phản đối kịch liệt của công chúng khiến lệnh cấm này hầu như không còn hiệu lực ngày nay. Một nhà sinh vật học bảo tồn tại đại học Washington cho rằng đó là vì mọi người có vẻ không hề để ý đến tình trạng tuyệt vọng của loài động vật có vú khổng lồ này.

Tỷ lệ voi tử vong vì săn trộm trên toàn Châu Phi vào khoảng 8% một năm dựa trên các nghiên cứu gần đây, cao hơn tỷ lệ tử vong hàng năm 7.4% đã khiến Chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi quốc tế gần 20 năm trước, Samuel Wasser, giáo sư sinh học của UW, cho biết.

Tuy nhiên tỷ lệ tử vong do săn trộm cuối những năm 1980 được thống kê dựa trên số lượng hơn 1 triệu con voi. Ngày nay, tổng số voi trên toàn châu Phi ít hơn 470.000 con.

Wasser cho biết: “Nếu chiều hướng này tiếp tục diễn ra, sẽ không còn bất cứ con voi nào ngoài những vùng được rào kiên cố cùng với lực lượng bảo vệ đông đảo”

Ông là tác giả chính của bài báo trên số tháng 8 của tờ Conservation Biology. Bài báo khẳng định loài voi đang trên tiến trình mà tất cả các đàn voi lớn còn lại sẽ tuyệt chủng vào năm 2020, trừ khi sức ép công luận khiến các biện pháp cưỡng chế cần thiết được đẩy mạnh.

Các đồng tác giả là William Clark, thành viên Interpol về Tội ác đối với đời sống hoang dã và chính quyền Israel, Ofir Drori thuộc tổ chức Last Great Ape tại Cameroon, Emily Kisamo lực lượng thực thi hiệp ước Lusaka tại Kenya, Celia Mailand thuộc UW, Benezeth Mytayoba thuộc đại học Sokoine tại Tanzania và Matthew Stephens thuộc đại học Chicago.

Phòng thí nghiệm của Wasser đã phát triển các công cụ ADN để xác định nguồn gốc của ngà voi. Đây là một điều quan trọng vì những kẻ săn trộm thường tấn công voi tại một nước rồi vận chuyển ngà voi lậu từ nước láng giềng để trốn tránh luật pháp.

Ví dụ, 6,5 tấn ngà voi bị thu giữ tại Singapore năm 2002 được vận chuyển từ Malawi, nhưng xét nghiệm ADN cho thấy số ngà voi này có nguồn gốc từ vùng trung tâm Zambia. Tương tự, một vụ vận chuyển 3,9 tấn năm 2006 bị bắt tại Hongkong đến từ Cameroon, nhưng kết quả ADN cho thấy nguồn gốc số hàng này từ trung tâm Gabon.

Ngà voi bị chính quyền thu giữ nằm bên cạnh vũ khí được những tay săn trộm sử dụng, bao gồm rocket phóng lựu để chống lại kiểm lâm bảo vệ đàn voi. Ảnh: William Clark.

Các bằng chứng thu thập được từ các vụ bắt giữ lớn gần đây cho thấy một điều chắc chắn rằng ngà voi không đến từ những vùng địa lý rộng lớn mà những kể săn trộm nhắm vào những bầy voi nhất định. Wasser cho biết, với thông tin này, chính quyền có thể đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn và tập trung vào một số khu vực nhất định nơi việc săn trộm xảy ra, đó có thể là biện pháp hữu ích ngăn chặn việc voi bị giết hại. Nhưng điều này chỉ xảy ra nếu có đủ sức ép công luận để tăng cường vốn cho nỗ lực quốc tế trên quy mô lớn nhằm ngăn chặn việc săn trộm.

Năm 1989, Hội nghị thương mại quốc tế về các loài bị nguy hiểm trong quần thể động thực vật đã cấm hầu hết các trao đổi buôn bán ngà voi quốc tế (http://www.cites.org/), hành động này nhằm kiểm soát việc buốn bán các loài động vật bị nguy hiểm và có nguy cơ tuyệt chủng cao. Lệnh cấm này có hiệu lực với tất cả các hoạt động trao đổi buôn bán ngà voi ngoại trừ ngà voi được các quốc gia khai thác một cách hợp pháp từ các đàn voi của họ hoặc từ những con voi đã chết.

Tại thời điểm lệnh cấm được ban hành, những kẻ săn trộm giết trung bình 70.000 con voi một năm. Lệnh cấm đã thúc đẩy những nổ lực cưỡng chế mạnh mẽ, khiến việc săn trộm gần như dừng ngay lập tức. Tuy nhiên, mùi vị thành công khiến việc thi hành lệnh cấm trở nên lơi lỏng. Các nước phương Tây đã rút bỏ trợ giúp 4 năm sau khi lệnh cấm được ban hành khiến việc săn trộm dần dần tăng lên cho đến tỷ lệ báo động hiện nay.

Wasser cho biết: “Tình hình còn tồi tệ hơn trước trong khi công chúng không hề để ý đến. Đây là tình trạng hết sức nghiêm trọng vì voi là một loài vật đặc biệt quan trọng. Chúng khiến cho môi trường sống thông thoáng hơn, tạo nơi sinh sống cho nhiều loại động vật. Nếu không có voi, sẽ có những thay đổi môi trường sống lớn cùng với các tác động tiêu cực đến những loài động vật sống dựa vào môi trường sống trước đây”

“Voi cũng là một phần quan trọng của du lịch sinh thái, đây là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều nước châu Phi”.

Việc buôn bán ngà voi trái phép hầu hết do các tổ chức tội phạm lớn thực hiện và xuất phát từ nhu cầu của các thị trường lớn mạnh như Trung Quốc và Nhật Bản, nơi ngà voi được sử dụng để chạm khắc những con dấu gọi là hankos.

Thêm vào đó, trong vài năm trở năm trở lại đây nhu cầu đã tăng mạnh tại Hoa Kỳ, tại đây ngà voi được dùng để làm chuôi dao hoặc báng súng. Trên thực tế, bản báo cáo tháng năm của Trung tâm chăm sóc đời sống hoang dã quốc tế, tổ chức bảo vệ tự nhiên phi lợi nhuận của Anh, xếp Hoa Kỳ thứ hai sau Trung Quốc trong các thị trường tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp.

Nhưng việc buôn bán trái phép ngà voi không được chú trọng bởi các công tố viên, và các đạo luật mới nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu đã tạo ra cái Wasser gọi là “chính sách ác mộng”, khiến việc săn trộm ngà voi trở thành công việc lợi nhuận cao, nguy cơ thấp.

Cách duy nhất để kiềm chế tình trạng buôn bán trái phép này là tập trung lực lượng vào các khu vực nơi voi bị săn bắn để lấy ngà trước khi chúng bị đem vào mạng lưới buôn bán phức tạp trên quy mô toàn cầu của các tổ chức tội phạm. Hỗ trợ từ phía công luận mang tính chất quyết định nhằm làm giảm nhu cầu cũng như thúc đẩy hỗ trợ cần thiết từ phương Tây.

Tuy nhiên, Wasser cho rằng những thông tin về sự cần thiết loại bỏ một số voi dư thừa từ các đàn voi được kiểm soát tại 3 hay 4 nước đã dẫn tới những suy nghĩ thiếu chính xác của nhiều người rằng có quá nhiều voi tại châu Phi. Những đàn voi được kiểm soát đó bị giới hạn bằng hàng rào nhằm hạn chế việc di chuyển tự nhiên của chúng.

Wasser cho biết: “Hỗ trợ từ công luận đã chặn đứng việc buôn bán trái phép ngà voi năm 1989, và cũng có thể làm được điều tương tự một lần nữa. Phương pháp nghiên cứu mẫu ADN cho phép chúng ta tập trung lực lượng chức năng vào những điểm nóng về săn trộm”.

“Nó bắt buộc các nước nhận thêm trách nhiệm về những gì diễn ra tại biên giới của mình, và đồng thời cho chúng ta phương hướng tìm kiếm, vì vậy hy vọng rằng chúng ta có thể ngăn chặn những kẻ săn trộm trước khi quá muộn”.

Trà Mi (Theo PhysOrg)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video