VQG Cúc Phương - 1 trong 15 khu xem chim thuận tiện nhất

Theo một đánh giá mới đây của tổ chức BirdLife, Cúc Phương được lựa chọn là 1 trong 15 khu xem chim thuận tiện nhất tại VN. Đây cũng là điểm du lịch phổ biến vào các kỳ nghỉ cuối tuần và ngày lễ, thu hút một số lượng lớn khách tham quan mỗi năm, đặc biệt là du khách trong nước.

Loài chim Gorsachius melanolophus ở rừng Cúc Phương (Ảnh: orientalbirdimages)
Là một trong số ít các khu bảo tồn rừng trên núi đá vôi đất thấp, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tập trung khá nhiều cây cổ thụ. Vườn bao gồm 22.000 ha rừng trên núi đá vôi ở khu vực giữa ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá.

Cho đến nay, có hơn 300 loài chim được ghi nhận tại VQG Cúc Phương. Ở đây có rất nhiều loài chim rừng, trong đó có các loài thuộc các nhóm gõ kiến, sáo, quạ và đớp ruồi. Một số loài đặc hữu của khu vực Đông Nam Á cũng được ghi nhận tại Vườn, như Thầy Chùa Đít Đỏ Megalaima lagrandieri, Đuôi Cụt Bụng Vằn Pitta elliotii, Khướu Đá Hoa Napothera crispifrons. VQG Cúc Phương được đánh giá là một trong các vùng chim quan trọng ở VN. 

Du khách có thể khám phá thế giới sống động của các loài thực vật và thú tại đây bởi VQG Cúc Phương được xác định là một trong 7 Trung tâm Đa dạng Thực vật của VN có ý nghĩa bảo tồn toàn cầu và là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng, trong đó phân loài linh trưởng đang bị đe doạ tuyệt chủng toàn cầu ở mức Tối Nguy Cấp là Voọc Quần Đùi Trắng Trachypithecus delacouri và loài Cầy Vằn Hemigalus owstoni bị đe doạ ở mức Sắp Nguy Cấp.

VQG Cúc Phương còn có Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng bị đe doạ do Tổ chức Động vật Học Frankfurt (Đức) thành lập nhằm nuôi nhốt gây giống và nghiên cứu thú y đối với các loài vượn, cu li và voọc của VN. Đây còn là một địa điểm khảo cổ học khá lý thú.    

Ở Cúc Phương, có một số tuyến đường mòn dễ đi, xuất phát từ khu trụ sở của Vườn, gần cổng vào. Đường mòn dài nhất dẫn tới hồ Mạc, là nơi khách xem chim có thể quan sát Giẻ Cùi Vàng Urocissa whiteheadi. Có hai tuyến đường mòn chính xuất phát từ khu Bống ở trung tâm của Vườn. Một số loài có thể quan sát được dọc tuyến đi tới cây sấu cổ thụ như Đuôi Cụt Nâu Pitta phayrei, Khướu Đá Hoa, Gà Lôi Trắng Lophura nycthemera, Gà Tiền Mặt Vàng Polyplectron bicalcaratum, Đuôi Cụt Đầu Xám Pitta soror, Gõ Kiến Xanh Cổ Đỏ Picus rabieri (gần bị đe doạ).

Ở tuyến đường phía thung lũng, khách xem chim có thể thấy Giẻ Cùi Vàng, Chim Khách Đuôi Cờ Temnurus temnurus, đôi lúc nếu may mắn có thể quan sát được Đuôi Cụt Bụng Vằn. Khu vực xung quanh khu Bống là nơi có thể quan sát thấy Thầy Chùa Đít Đỏ, Thầy Chùa Đầu Xám Megalaima faiostricta, Cắt Nhỏ Bụng Trắng Microhierax melanoleucos. Nếu đi bộ trong khu rừng nguyên sinh hoặc đi bộ những đoạn ngắn theo đường chính, có thể quan sát Cắt Nhỏ Bụng Trắng, Mỏ Rộng Xanh Psarisomus dalhousiae và Mỏ Rộng Hung Serilophus lunatus ngay trên các cành cây giăng ngang đường.

Được biết, Câu lạc bộ Xem chim Hà Nội sẽ tổ chức một chuyến đi xem chim trong 2 ngày tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Vân Long và VQG Cúc Phương vào cuối tuần này.

Theo Hà Nội mới, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video