Một loại peptide mới có thể chọc thủng màng tế bào của vi khuẩn, phá vỡ chức năng các bộ phận quan trọng để tiêu diệt vi khuẩn kháng thuốc.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Barsilia và Đại học Bristish Columbia sản xuất thành công một peptide kháng vi sinh vật có thể tiêu diệt vi khuẩn, ngay cả vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nó đem đến cho protein của con người một loại "vũ khí sinh học" để chống nhiều loại bệnh nhiễm trùng, Nature World News hôm 4/11 đưa tin.
Peptide mới có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, bao gồm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. (Ảnh: MIT News).
Nghiên cứu của Hội đồng Anh ước tính tới năm 2050, vi khuẩn có thể giết chết 10 triệu người mỗi năm nếu không có các loại thuốc kháng sinh mới. Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi vi khuẩn đang dần phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc truyền thống sẽ không còn tác dụng đối với chúng trong tương lai. Điều này khiến các nhà nghiên cứu và khoa học phải liên tục chế tạo thuốc mới nhưng chúng có thể không hoạt động nếu sử dụng cách thức thông thường.
Peptide là những hợp chất chứa 2-50 gốc α – axit amin liên kết với nhau bằng các liên kết peptide. Nghiên cứu gần đây đã tạo ra một peptide tổng hợp mang tên clavanin-MO, có đặc tính điều hòa miễn dịch và kháng khuẩn mạnh trong thí nghiệm ống nghiệm và thí nghiệm trên cơ thể sống. Peptide kháng khuẩn có thể chọc thủng màng tế bào của vi khuẩn và phá vỡ chức năng của các bộ phận quan trọng. Nó có thể phá hủy ADN, ARN và protein của vi khuẩn, từ đó tiêu diệt chúng rất hiệu quả.
Clavanin-MO được nâng cao hoạt động bằng cách bổ sung một chuỗi 5 axit amin giúp nó có tính kỵ nước, đồng nghĩa với việc clavanin-MO có thể tiếp xúc và chuyển đổi màng hiệu quả hơn. Thí nghiệm trên chuột cho thấy, clavanin-MO có thể tiêu diệt vi khuẩn E.coli và Straphylococcus, những vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh cao.
Nhóm nghiên cứu đang tìm cách khiến clavanin-MO hoạt động tốt hơn. Nếu được cải thiện, nó có thể được sử dụng cho con người cùng với các loại thuốc kháng sinh truyền thống.