Vụ phun trào thủy nhiệt cao 30 m ngay trước mặt người dân

Một vụ phun trào thủy nhiệt bất ngờ tại công viên quốc gia Yellowstone hôm 23/7 tạo ra cột hơi nước và bụi khổng lồ, khiến du khách bỏ chạy.


Vụ phun trào thủy nhiệt trong công viên quốc gia Yellowstone hôm 23/7. (Video: Vlada March)

Các nhân viên phải đóng cửa khu vực sau khi xảy ra vụ phun trào, theo Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ (NPS). Cột vật chất phun cao khoảng 30 m, nằm ở lòng chảo Biscuit, ngay phía bắc của mạch nước phun Old Faithful trong công viên quốc gia Yellowstone. Lòng chảo Biscuit nổi tiếng với các hồ nước nóng và mạch nước phun đầy màu sắc.

Không có ai bị thương trong vụ phun trào, nhưng lối đi bộ lát ván gần đó sẽ cần sửa chữa một chút, theo đại diện của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Những bức ảnh chụp sau vụ phun trào cho thấy bùn và nhiều mảnh đá nằm rải rác trên lối đi.

"Những gì chúng ta thấy thật ngoạn mục và chắc chắn là nguy hiểm", Michael Poland, nhà khoa học phụ trách Đài quan sát Núi lửa Yellowstone, cho biết. Theo Poland, vụ phun trào hôm 23/7 tương đối nhỏ so với những sự kiện trước đây ở Yellowstone, nhưng vẫn là lời nhắc nhở đáng chú ý về một mối nguy hiểm chưa được đánh giá đúng mức.


Các nhân viên của công viên quốc gia Yellowstone đánh giá thiệt hại ở lối đi bộ lát ván. (Ảnh: NPS).

Poland cho biết, sự tắc nghẽn trong hệ thống đường nước tự nhiên bên dưới Yellowstone có thể đã gây ra vụ phun trào. Tắc nghẽn thúc đẩy nhiệt và áp suất tích tụ trong một con đường bên dưới lòng chảo Biscuit, khiến nước bốc hơi, gây ra sự giãn nở đột ngột về thể tích và dẫn đến vụ nổ.

Theo NPS, sự kiện không có nghĩa là hoạt động núi lửa bên dưới Yellowstone đang tăng lên. "Vụ phun trào không phản ánh sự thay đổi trong hệ thống núi lửa, vốn vẫn duy trì ở mức hoạt động nền bình thường", đại diện cơ quan này cho biết.

"Chúng tôi thấy nhiều hơi nước bốc lên và chỉ trong vài giây, nó trở nên khổng lồ. Nó nổ tung và trở thành thứ giống như đám mây đen che khuất Mặt trời", Vlada March, khách tham quan Yellowstone hôm 23/7, chia sẻ. Các nhân viên tại Yellowstone cùng nhóm nhà địa chất từ USGS đang giám sát khu vực và sẽ mở cửa lại cho khách tham quan khi đã an toàn.

Vụ phun trào hôm 23/7 vẫn khá nhỏ so với các sự kiện thủy nhiệt trước đây tại Yellowstone, bao gồm chuỗi phun trào cách đây 13.800 năm tại khu vực vịnh Mary, phía đông bắc Hồ Yellowstone. Chúng đã để lại một hố trũng đường kính 2,4km - hố trũng lớn nhất hình thành do phun trào thủy nhiệt trên Trái đất.

Cập nhật: 26/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video