Hé lộ những hệ sinh thái mới dưới “hố địa ngục” sâu nhất đại dương

  •  
  • 2.244

Một khám phá “tình cờ” liên quan đến hoạt động phun trào núi lửa dưới lòng đại dương của các nhà khoa học đã giúp họ tìm ra những hệ sinh thái kì lạ ở những khu vực đáy biển mới nhất trong khe nứt “địa ngục” Mariana.

"Chúng tôi quan tâm đến khu vực này là do lần theo các vụ phun trào núi lửa hiếm gặp ở biển sâu nhằm tìm hiểu việc cung cấp nhiệt cho các suối nước nóng dưới đáy đại dương. Những miệng thông thuỷ nhiệt được tìm thấy gần các khu vực núi lửa hoạt động sẽ cung cấp năng lượng, thường là nơi trú ngụ của nhiều cộng đồng sinh học phức tạp được nuôi dưỡng bởi các chất hóa học hòa tan trong vùng nước xung quanh.

Những tầng dung nham mới xuất hiện dưới khe nứt Mariana sau các vụ phun trào núi lửa.
Những tầng dung nham mới xuất hiện dưới khe nứt Mariana sau các vụ phun trào núi lửa.

Các loài vi khuẩn hình thành gốc của chuỗi thức ăn cho các hệ sinh thái bất thường sống xung quanh. Mặc dù cộng đồng khoa học đã biết đến những miệng thông thủy nhiệt này từ những năm 1970, nhưng lại ít được biết về các loại động vật khác nhau sống xung quanh nó", nhà địa chất biển Bill Chadwick, đến từ Cơ quan Khí quyển và Dại dương Mỹ, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Rãnh hay khe nứt Mariana thuộc quần đảo Mariana, ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Độ sâu khủng khiếp của rãnh Mariana còn lớn hơn đỉnh núi Everest cao nhất thế giới. Toàn bộ rãnh có chiều dài là 2.550km. Chiều rộng của rãnh chỉ khoảng 69km.

Khe nứt Mariana được biết đến là một trong những "địa ngục" có điều kiện sống khắc nghiệt nhất trên hành tinh: Không ánh sáng, áp suất lớn vô cùng cộng với nhiệt độ cực thấp. Tuy nhiên, với những khám phá mới của các nhà khoa học thì dường như “nhịp sống” ở khe nứt nổi tiếng này không tĩnh lặng như chúng ta vẫn thường biết sau khi có các vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển.

Hệ sinh thái hình thành bên cạnh các miệng thông thuỷ nhiệt đặc biệt.
Hệ sinh thái hình thành bên cạnh các miệng thông thuỷ nhiệt đặc biệt.

Theo các nhà khoa học tiết lộ, trong khu vực rãnh “địa ngục” Mariana mới được phát hiện có các miệng thông thủy nhiệt trong hai môi trường khác nhau với các yếu tố sinh hóa học tương phản. Chính điều này đã tạo ra hai hệ sinh thái với các loài động vật hiếm gặp ở biển sâu khác nhau.

Trước khi phát hiện ra mối tương quan giữa các miệng thông thuỷ nhiệt đặc biệt ở khu vực khe nứt Mariana, nhóm nghiên cứu đã bắt gặp một vụ phun trào núi lửa sâu dưới đại dương khoảng 4.500 mét tạo thành các cấu trúc mới dưới lòng khe nứt.

Và trong suốt 30 năm qua, các nhà khoa học đã sử dụng các phương pháp thăm dò khác nhau để ghi lại khoảng 40 vụ phun trào dưới đáy biển - trước năm 1990, các nhà khoa học vẫn chưa chú ý đến vấn đề này. Chadwick và nhóm của ông đã phát hiện ra các vụ phun trào nhờ sự kết hợp của may mắn và có các công cụ phù hợp để có thể phát hiện ra.

Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên đến khu vực có núi lửa dưới đại dương phun trào vào năm 2015, họ quan sát thấy dấu hiệu của dung nham mới vẫn còn ấm. Sau 1 năm, các nhà nghiên cứu quay trở lại và phát hiện các miệng thông thuỷ nhiệt đã giảm đáng kể cùng sự hình thành của hệ sinh thái đặc thù mới mà các nhà khoa học cho rằng là một thế giới hoàn toàn khác.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn sự hình thành của các hệ sinh thái nằm dưới “khe địa ngục” Mariana liên quan đến các vụ phun trào của núi lửa và sự hình thành của các miệng thông thuỷ nhiệt.

Cập nhật: 31/10/2018 Theo Dân Trí
  • 2.244