Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, hiện loài tê giác Java ở Việt Nam chỉ còn khoảng 4-5 con, phân bố ở khu vực Cát Lộc, thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Loài thú này được sách đỏ Việt Nam xếp vào bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) và sách đỏ thế giới xếp bậc CR - cực kỳ nguy cấp.
Cục Thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ đã hỗ trợ VQG Cát Tiên tổ chức giám sát tê giác bằng cách lắp đặt các bẫy ảnh tự động. Tuy nhiên, sinh cảnh và địa bàn sống của tê giác hiện đang bị xâm chiếm, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của loài động vật cực kỳ quý hiếm này.
Tại cuộc hội thảo ngày 28-4 vừa qua tại VQG Cát Tiên, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về động vật trong và ngoài nước đã thảo luận nhằm tìm những giải pháp bảo tồn và phát triển loài tê giác này. 4 giải pháp cơ bản được đưa ra là: Di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực sống của tê giác; để dân sống chung với tê giác nhưng tạo hành lang an toàn; tái định cư các hộ dân đến chỗ mới và chuyển tê giác đến vùng Nam Cát Tiên. Giải pháp ổn định dân cư tại chỗ, sống chung với tê giác được cho là khả thi nhất.
Ngoài ra, tại hội thảo cũng có nhiều ý kiến khác về bảo tồn tê giác Java như: bảo tồn tê giác nên gắn với bảo vệ điều kiện sống của chúng và ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư trong vùng; cần nghiên cứu, xác định rõ quần thể tê giác hiện nay của Cát Tiên là chủng quần có khả năng phát triển hay suy vong, từ đó có định hướng bảo tồn...