Việc phát triển thành công súng từ trường đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này – SCMP cho hay.
Vũ khí của tương lai
Vũ khí này sử dụng điện thay vì thuốc súng để phóng đạn.
Súng từ trường (electromagnetic railgun - EMRG) là vũ khí sử dụng điện thay vì thuốc súng để phóng đạn. Việc chế tạo loại súng này từ lâu đã là tham vọng của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực này, khi một nhóm kĩ sư hải quân Trung Quốc tuyên bố đã chế tạo thành công loại súng từ trường có thể bắn nhiều viên đạn với tốc độ cao mà không gây hư hại nòng súng.
Những kĩ sư này cho biết ngay cả khi bắn liên tục, loại vũ khí thế hệ mới vẫn giữ được mức độ chính xác đáng kể khi bắn.
Theo SCMP, đạn bắn ra khỏi nòng với tốc độ 2km/giây, có nghĩa là bất kỳ mục tiêu nào trong phạm vi 100-200km đều nằm trong tầm ngắm của nó. Để so sánh, đạn pháo thông thường thường chỉ có tầm bắn tối đa vài chục km.
Trong một cuộc thử nghiệm, súng từ trường đã chứng tỏ sức mạnh khi bắn tới 120 viên đạn - khá gần với những gì mà một số loại pháo đang sử dụng ngày nay có thể làm được.
Theo các nhà nghiên cứu, sau khi “âm thanh sấm sét” lắng xuống, toàn bộ hệ thống vẫn còn nguyên vẹn.
“Thành quả tương tự chưa bao giờ được báo cáo công khai trước đây”, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Năng lượng Điện từ Trọng điểm Quốc gia tại Đại học Kỹ thuật Hải quân Trung Quốc cho biết trong một bài nghiên cứu xuất bản vào ngày 10/11.
Mỹ từ bỏ phát triển súng từ trường vào năm 2021, thay vào đó tập trung vào tên lửa siêu thanh. (Ảnh: Hải quân Mỹ).
“Các cỗ máy chiến tranh đang dần chuyển từ năng lượng hóa học sang năng lượng điện từ. Tốc độ bắn liên tục là một chỉ số quan trọng về hiệu quả chiến đấu của hệ thống súng điện từ”, các nhà khoa học và kỹ sư do Giáo sư Lu Junyong dẫn đầu viết trong bài nghiên cứu.
Họ cho biết thêm, bước đột phá này có nghĩa là “hệ thống phóng từ trường giờ đây có thể khai hỏa một cách đáng tin cậy, nhanh chóng và không bị gián đoạn”.
SCMP cho hay, thành tựu này đã đưa Trung Quốc lên dẫn đầu thế giới về lĩnh vực súng từ trường.
Số lượng đạn có thể bắn ở tốc độ Mach 6 (tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh) là điều được các nhà khoa học và kĩ sư quan tâm khi xem xét súng từ trường.
Đối với súng từ trường, lực điện từ sẽ đẩy một viên đạn hoặc tên lửa bay dọc nòng súng, đạt tốc độ và bay được khoảng cách mà những khẩu súng thông thường chạy bằng thuốc súng không thể với tới. Loại súng này được coi là một trong những công nghệ thay đổi cuộc chơi và có thể chiếm vị thế hàng đầu trong các cuộc chiến tranh tương lai. Nhưng trong một thời gian dài, súng từ trường chỉ được coi là sản phẩm của khoa học viễn tưởng.
Vượt qua rào cản
Hải quân Mỹ đã đổ một số tiền khổng lồ và hàng thập kỷ vào súng điện từ, nhưng sau đó đã phải từ bỏ vào năm 2021 để tập trung nguồn lực hạn chế vào phát triển tên lửa siêu thanh.
Một trong những điểm khúc mắc chính mà Mỹ gặp phải với súng từ trường là không thể giải quyết vấn đề làm thế nào có thể bắn đạn liên tục mà không làm hỏng hệ thống.
Trong khi đó, thành công của nhóm Trung Quốc phần lớn nhờ vào hệ thống đo lường và chẩn đoán phức tạp. Cụ thể, hệ thống có khả năng thu thập và phân tích dữ liệu từ hơn 100.000 điểm thành phần cùng lúc. Con số này gần gấp 10 lần số lượng cảm biến trên một chiếc máy bay hiện đại. Hệ thống máy tính cũng phải nhanh chóng tìm ra vấn đề và tìm ra nguyên nhân gây ra chúng. Điều này rất khó khăn bởi một cỗ máy phức tạp và hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt có thể gặp nhiều trục trặc. Ngay cả những kỹ thuật viên giỏi nhất đôi khi cũng cần nhiều ngày để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, hệ thống AI mới ở Trung Quốc có thể cắt giảm thời gian xử lí vấn đề xuống còn mili giây. Chưa kể, nó còn có thể tự đưa ra quyết định. Ví dụ, nếu có sự cố không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như một thiết bị quá nóng, hệ thống sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng nếu có sự cố có thể gây ra thiệt hại lớn, chẳng hạn như lực đẩy có vấn đề, nó sẽ không bắn ngay cả khi đạn đã lên nòng.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nghiên cứu vũ khí từ trường cho biết họ có thể sử dụng công nghệ này để nén một đoàn tàu qua ống chân không với tốc độ 1.000km/h, nhanh hơn bất kỳ máy bay nào.
Nhóm của ông Lu cho biết hệ thống thông minh này đã cứu được vũ khí đắt tiền trên 3 lần. Và với mỗi vấn đề nhỏ được tìm thấy và khắc phục, súng từ trường sẽ hoạt động trơn tru hơn. Trong 50 lần bắn gần đây nhất, không có một trục trặc nào xảy ra.
Súng từ trường và công nghệ đi kèm là “món quà” đối với quân đội Trung Quốc. Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng những khẩu pháo từ trường này có thể bắn xa hơn 200 km, giúp hải quân nước này hoạt động hiệu quả hơn. Người Mỹ là những người đầu tiên nghĩ ra phiên bản hàng hải của bộ phim Star Wars. Hồi những năm 2011, quân đội Mỹ đã mất 4 năm để bắn thử 1.000 quả đạn pháo. Đến năm 2018, Mỹ đặt mục tiêu cao hơn là chế tạo thứ gì đó có thể bắn 1.000 viên đạn mà “không đổ một giọt mồ hôi nào”.
Nhưng dự án đã không thành công. Theo SCMP, kỹ thuật, công nghệ và tiền bạc – tất cả đều trở thành rào cản. Do đó, quân đội Mỹ đã từ bỏ súng từ trường vào năm 2021. Một số nhà phê bình nhận xét rằng Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội để bắt kịp và thậm chí có thể vượt qua Mỹ.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang có những ý tưởng táo bạo hơn dựa trên công nghệ súng từ trường. Họ cho rằng có thể sử dụng công nghệ này để nén một đoàn tàu qua ống chân không với tốc độ 1.000 km/h – nhanh hơn bất kỳ máy bay nào đang bay hiện nay.
Và bằng cách nâng phần cuối của ống đó lên, họ có thể phóng tên lửa và thậm chí có thể khiến việc du hành vũ trụ trở nên rẻ hơn. Vào tháng 11, Trung Quốc đã chế tạo ống phóng điện từ chân không dài nhất thế giới ở tỉnh Sơn Tây và nhiều nhóm nghiên cứu trên toàn quốc đang tỏ ra rất háo hức để chiêm ngưỡng và thử nghiệm hệ thống mới.