Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua cảnh báo, chất lượng không khí tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt mức nguy hại đối với sức khỏe con người.
Nghiên cứu của WHO đưa ra dựa trên mẫu không khí của gần 1.100 thành phố, tại 91 quốc gia trên thế giới, bao gồm các thủ đô và thành phố có số dân trên 100.000 người.
WHO ước tính hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm vì hít phải bụi PM10 (phát sinh từ xe môtô, nhà máy điện). PM10 có kích thước nhỏ hơn 10mm nên chúng dễ dàng xâm nhập vào phổi, đi vào máu, gây ra các bệnh tim, ung thư phổi, hen suyễn và nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Theo báo cáo của WHO, mật độ PM10 ở một số thành phố lên tới 300 micrograme trong 1m3 (ug/m3), trong khi mức chuẩn là 20 ug/m3.
"Ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn tới môi trường và sức khỏe con người. Nếu chúng ta theo dõi và quản lý môi trường hợp lý, có thể số lượng những người mắc bệnh đường hô hấp, bệnh tim và ung thư phổi sẽ giảm. Ở nhiều nước thậm chí còn chưa có quy định về chất lượng không khí", tiến sĩ Maria Neira, giám đốc WHO nói.
WHO kêu gọi các quốc gia trên thế giới tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về các nguy cơ từ ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người, xây dựng chính sách hiệu quả và kiểm soát sát sao tình hình ô nhiễm tại các thành phố.
Theo các chuyên gia của WHO, nếu giảm mật độ hàng năm của bụi PM10 từ 70 ug/m3 xuống 20 ug/m3 có thể sẽ giảm 15% tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan tới ổ nhiễm không khí.