Ngày 3/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã họp báo với chủ đề "Mạnh mẽ, an toàn và thích ứng - hướng dẫn chính sách chiến lược trong quản lý rủi ro thảm họa tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương".
Đông Á-Thái Bình Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lốc xoáy, sóng thần, động đất và lũ lụt. Để đối mặt với những thách thức này, các chính phủ cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ và đầu tư nhiều vào công tác quản lý rủi ro và thích ứng.
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh các nước cần phải coi vấn đề quản lý rủi ro thảm họa là một phần trong hoạt động giảm nghèo và phát triển bền vững vì người nghèo phải chịu ảnh hưởng thiên tai nhiều hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các thành phố đang tăng trưởng nhanh ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Các nhà hoạch định chính sách có thể tạo sự khác biệt lớn nhằm đảm bảo những tiến bộ trong phát triển và giảm nghèo không bị mất đi bằng cách hành động ngay bây giờ để xây dựng sự thích nghi. Đầu tư vào các hoạt động phòng chống thiên tai, từ tăng cường các dịch vụ dự báo thảm họa đến phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, có thể mang lại hiệu quả cao.
Ông Bert Hofmam, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho biết: "Chúng tôi làm việc với các chính phủ và đối tác để tăng cường khả năng tài chính vững vàng nhằm đối phó thiên tai. Tất cả chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, cải thiện các công cụ mô hình phòng chống rủi ro thảm họa nhằm trợ giúp các chính phủ đánh giá tác động của thảm họa thiên tai lên ngân sách và xây dựng các chiến lược cung cấp tài chính khắc phục thảm họa".
Từ đó, Ngân hàng Thế giới đề xuất các nước Đông Á-Thái Bình Dương triển khai thực hiện 3 công đoạn để giảm thiểu tác động thảm họa thiên tai. Về gắn hạn: đầu tư vào dự báo thảm họa và các hệ thống cảnh báo sớm khí tượng thủy văn có thể đạt tỷ suất chi - lợi nhuận cao với lợi ích to lớn trước mắt; tăng cường khung pháp luật, đẩy mạnh hợp tác và các hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa trong các chương trình phát triển dựa trên cộng đồng cũng mang lại nhiều lợi ích.
Về trung tới dài hạn: vấn đề chủ chốt là cân đối giữa các khoản đầu tư vào những biện pháp có cấu trúc và phi cấu trúc. Các biện pháp bao gồm bêtông và hạ tầng cơ sở... Về dài hạn: quá trình đô thị hóa phải được quản lý thông qua việc sử dụng có hệ thống các đánh giá rủi ro, lập quy hoạch và phát triển đô thị với nhận thức rõ về rủi ro thiên tai và ban hành các quyết định thiết thực có xem xét đến thảm họa thiên tai, rủi ro khí hậu và bất ổn khác.