Phê duyệt Chiến lược phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đến 2020

  •  
  • 930

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Theo đó, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai sẽ được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Mục tiêu chung của Chiến lược là huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai từ nay đến năm 2020, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hình ảnh miền Trung trong cơn lũ.

Hình ảnh miền Trung trong cơn lũ.
(Ảnh: Hàn Phong)

Chiến lược nhằm nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm. Trọng tâm là nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới trước 72 giờ.

Để thực hiện được mục tiêu, Chiến lược đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chung, 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho từng vùng.

Nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Ban hành các chính sách cứu trợ thiên tai cho từng vùng như sống chung với lũ, phân lũ, chậm lũ, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất...; có chính sách khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực... cho lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Nhà nước khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc; nâng cao năng lực nghiên cứu theo dõi các biến đổi của trái đất, các biến động của tự nhiên trong khu vực và lãnh thổ; khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Chiến lực còn nêu rõ, từng bước phát triển các chuyên ngành khoa học về thiên tai: Tình trạng khẩn cấp, quản lý thiên tai, phát triển bền vững, y tế thảm họa, phục hồi sản xuất và môi trường sau thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Theo website Chính phủ, Vietnamnet
  • 930