Các nhà sinh vật học vũ trụ từ Đại học California (Mỹ) đã tìm ra cách để "chạm tới" những nền văn minh ngoài hành tinh.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Edward Schwieterman từ Đại học California đã tìm ra 5 dấu hiệu dễ nhận biết và chính xác nhất để nhận diện một hành tinh có nền văn minh hay không bằng những phương tiện sẵn có.
Theo Sci-New, 5 dấu hiệu đặc biệt đó là 5 nhóm khí nhà kính: Các phiên bản flo hóa của methane, ethane và propane, cùng với các loại khí làm từ nitơ và flo hoặc lưu huỳnh và flo.
Ảnh minh họa về các dấu hiệu công nghệ khác nhau mà chúng ta có thể tìm kiếm trên một hành tinh khác, bao gồm khí quyển nhân tạo - (Ảnh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC CALIFORNIA Ở RIVERSIDE).
TS Schwieterman cho biết điều quan trọng nhất là 5 nhóm khí này vốn không thể tồn tại nhiều trong tự nhiên. Vì vậy nếu chúng tồn tại ở mức độ mà con người có thể nắm bắt được thông qua các phương tiện quan sát tối tân, phải có người ngoài hành tinh tạo ra chúng.
Nhóm nghiên cứu gọi 5 nhóm khí nói trên là "dấu hiệu công nghệ".
Năm loại khí do các tác giả đề xuất được sử dụng trên Trái đất trong các ứng dụng công nghiệp như sản xuất chip máy tính.
Ngoài ra, nếu nền văn minh đó tối tân hơn chúng ta, họ có thể tận dụng chính những thứ "chết chóc" này để cải tạo môi trường toàn cầu.
"Chúng sẽ tốt cho một nền văn minh uốn ngăn chặn một kỷ băng hà sắp xảy ra hoặc cải tạo một hành tinh không thể ở được trong hệ sao của họ, như con người đã đề xuất về sao Hỏa" - TS Schwieterman nói.
Ví dụ, chúng ta có một hành tinh băng giá, khô cằn, không có nước ở trạng thái lỏng - một trong những điều kiện cốt yếu của sự sống.
Chúng ta có thể bơm thêm lưu huỳnh hexafluoride, có khả năng làm nóng hành tinh gấp 23.500 lần carbon dioxide, khiến hành tinh đó đủ ấm để băng tuyết tan chảy một phần thành nước lỏng.
Một ưu điểm khác của các loại khí được đề xuất là chúng tồn tại rất lâu. Với điều kiện Trái đất, chúng có thể được lưu giữ tới 50.000 năm.
Cho dù người ngoài hành tinh vô tình tạo ra các nhóm khí nhà kính nói trên bằng nền công nghiệp gây hại cho môi trường hay cố gắng tận dụng chúng, đó sẽ là một dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết họ đang ở đó.
Quan trọng hơn, dấu vết của 5 nhóm khí nhà kính này dễ dàng được phát hiện trong quang phổ với "mắt thần" của kính viễn vọng James Webb, cho dù chỉ tồn tại ít.
Một số phương tiện quan sát không gian tối tân hơn mà các cơ quan vũ trụ sẽ phóng lên trong tương lai tất nhiên cũng đủ sức nhận diện chúng.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal, là tấm lưới lọc thú vị sẵn sàng áp dụng để sàng lọc lại hơn 5.500 ngoại hành tinh mà nhân loại đã biết.
Phần lớn các ngoại hành tinh đó được phát hiện bởi vệ tinh TESS của NASA và nhiều cái trong số đó khá giống với Trái đất, tức có cơ hội cao chứa đựng sự sống.