Xây dựng bộ chỉ số cho CNTT-TT VN

Để có thể hoạch định chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển CNTT-TT cần có đánh giá khách quan, định lượng về năng lực và hiện trạng của ngành, tạm gọi là bộ chỉ số cho CNTT của Việt Nam ( Vietnam ICT index). Hội Tin Học VN cũng đã tiến hành xây dựng Vietnam ICT Index từ đầu tháng 11/2005, dự kiến đến khoảng đầu quý I/2006 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, nếu các vấn đề như mục tiêu, chỉ tiêu và phương pháp đánh giá không được làm rõ thì sẽ khó có kết quả chính xác. Chúng tôi xin góp một vài ý kiến về việc này.

1.Mục tiêu đánh giá hiện trạng sẽ bao gồm hai nội dung khác nhau, có ảnh hưởng tới việc xây dựng bộ chỉ số và cách điều tra, đó là: nội dung tổng thể và nội dung địa phương.

Nội dung tổng thể đánh giá năng lực của toàn bộ ngành CNTT-TT của VN như một tổng thể thống nhất. Các chỉ tiêu đánh giá sẽ được sử dụng để so sánh với các quốc gia khác, đồng thời phục vụ trực tiếp cho việc tổng kết về hiệu quả của các chính sách vĩ mô phục vụ các mục tiêu kinh tế xã hội. Báo cáo toàn cảnh hàng năm về CNTT của Hội Tin Học TPHCM thường nhắc tới các chỉ tiêu này như tổng doanh thu PM, phần cứng, số lượng máy tính, số máy điện thoại...

Nội dung địa phương là chỉ tiêu cho các địa phương và khu vực công, doanh nghiệp và người sử dụng. Các chỉ tiêu này có thể sử dụng để chấm điểm thi đua, so sánh giữa các đơn vị hoặc phục vụ các chính sách xã hội, giảm khoảng cách số giữa các vùng và các nhóm xã hội.

Các chỉ tiêu cho hai nội dung này không trùng nhau. Do đó, khi xây dựng bộ ICT Index cần làm rõ là bao gồm nội dung nào (hoặc cả hai).

2.Bộ chỉ số cần được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu quốc tế. Không thể đánh giá khách quan về hiện trạng phát triển CNTT&TT của VN dựa trên các chỉ tiêu chủ quan mà chỉ có VN mới sử dụng. Nói như thế không có nghĩa là sao chép nguyên xi các chỉ số quốc tế vào VN bởi vì có rất nhiều chỉ tiêu chưa thể đánh giá và điều tra tại VN. Rất may là các chỉ số quốc tế quan trọng như chỉ số truy cập số (DAI), chỉ số sẵn sàng mạng (NRI), chỉ số sẵn sàng chính phủ điện tử (E-Readiness Index)... đều được tính toán dựa trên rất nhiều chỉ tiêu, các chỉ tiêu này lại có thể tách ra thành nhiều tiểu chỉ số (subindex). Như vậy, cách tốt nhất là lựa chọn trong các tiểu chỉ số hoặc chỉ tiêu đã có trên thế giới những chỉ tiêu phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam và đánh giá. Cách làm như vậy cho phép so sánh từng mặt phát triển của VN với thế giới. Việc cần làm là đưa ra một công thức tính chỉ số CNTT-TT Việt Nam từ các tiểu chỉ số và các trọng số phù hợp với ưu tiên phát triển chiến lược của VN trong mỗi giai đoạn. Trên thế giới, hệ thống các trọng số cũng được điều chỉnh liên tục để phù hợp với xu thế phát triển. Cách làm này sẽ loại bỏ được các chỉ số không hợp lý và cảm tính. Có thể các đánh giá về hiện trạng phát triển CNTT của Việt Nam sẽ chỉ cần dựa trên một số tiểu chỉ số đặc trưng nào đó và đánh giá quốc tế về thứ bậc của VN trong các lĩnh vực liên quan tới các tiểu chỉ số này.

3.Do các cuộc điều tra quy mô thường rất tốn kém nên cần triển khai điều tra nội dung địa phương sao cho có thể tận dụng kết quả để tính toán các chỉ tiêu tổng thể. Có thể sử dụng phương pháp lấy mẫu trong thống kê để khảo sát tại các địa phương, các khu vực được chọn làm mẫu (sample) điều tra. Ngay việc điều tra một số chỉ tiêu của các địa phương cũng có thể rất khó khăn và phải sử dụng phương pháp lấy mẫu thống kê này.

Ý tưởng cơ bản của phương pháp lấy mẫu thống kê tương tự như phương pháp tính sản lượng lúa: Trước tiên, phân loại các loại ruộng có năng suất tương đối đồng đều. Trong mỗi loại, cần điều tra sản lượng bình quân, bằng cách thu hoạch trên một mẫu thống kê. Cuối cùng, tiến hành thống kê tổng diện tích của mỗi loại ruộng, từ đó tính ra tổng sản lượng.

Như vậy, sẽ có những đại lượng mô tả cường độ (intensive quantities) sử dụng để chấm điểm cho các đơn vị và các bộ ngành địa phương, vì các đơn vị có quy mô lớn thường có ưu thế trong các đại lượng tổng thể có trị số tuyệt đối. Ngoài ra sẽ có các đại lượng mô tả quy mô (extensive quantities) như dân số, diện tích, tổng đầu tư, thu nhập quốc dân... sẽ được thu thập nhờ điều tra thống kê. Các đại lượng mô tả quy mô cần lựa chọn sao cho dễ điều tra và có ích lợi trong việc tính toán ngoại suy ra các chỉ số (và tiểu chỉ số) tổng thể quốc gia.

Nguyễn Ai Việt, Bộ Bưu Chính Viễn Thông

Theo PCWorld B Việt Nam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video