Xẻ núi làm đường, phát hiện "hoa sen" Ngọa Vân bằng vàng ròng: Đỉnh cao báu vật quốc gia!

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử hay còn gọi là hộp vàng hình Hoa Sen là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật thời Trần.

Bảo vật trong lòng đất

Chiếc hộp vàng được phát hiện hết sức tình cờ trong quá trình thi công mở rộng con đường "hành hương tâm linh" từ thôn Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Đại đức Thích Quảng Hiển đã phát hiện một chiếc hộp bằng vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn đồi. Đến ngày 20/3/2015, UBND huyện Đông Triều giao lại hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.

Với sự quý hiếm và tính độc bản, Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2018.


Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được tìm thấy khi đang đang thi công làm đường. (Ảnh: QN).

Đậm nét đặc trưng văn hóa thời Trần

Hộp vàng nặng 56,44 gram (tương đương khối lượng khoảng 15 chỉ vàng), chiều cao toàn thân là 4,2cm (trong đó, phần thân cao 3,2cm tính cả nắp; chân đế cao 0,6cm); phần dưới thân, đường kính miệng bên trong của thân hộp là 4,8cm, đường kính miệng ngoài thân hộp là 5,1cm, đường kính đế là 3,5cm, đường kính nắp hộp là 5,1cm.


Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được làm hoàn toàn bằng vàng, trọng lượng lên tới 56,44g. (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

Hộp có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn. Khi làm xuất lộ, lưỡi gầu máy múc va chạm mạnh vào phần thân hộp làm hiện vật hơi bị biến dạng. Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 múi chính, là phần đầu khớp với các cánh sen ở phía dưới thân, tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn. Hoa văn được chạm khắc thủ công.

Các họa tiết hoa văn, với phần nền gấm vân mây làm nền họa tiết hoa chanh, là đặc điểm cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân chế tác đương thời. Các đường nét và họa tiết hoa văn nhỏ, với nét khắc sắc nét, khỏe khoắn trên nền cốt rất mỏng.

Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, được mời giám định chiếc hộp này. Ông Trí cho biết hộp được làm bằng kỹ thuật kết hợp đúc khuôn tạo hình dáng và cánh sen nổi, sau đó chạm khắc hoa văn lên trên thân và bên trong cánh sen. Tất cả hoa văn trang trí trên nắp và thân hộp trên đều mang đậm dấu ấn đặc trưng của văn hóa thời Trần, nửa đầu thế kỷ 14.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là một di vật quan trọng liên quan đến hoàng gia hoặc nghi lễ tôn giáo tôn nghiêm. Đây là bát, cốc át già, một trong sáu pháp khí quan trọng được sử dụng trong nghi lễ Phật giáo Mật tông và rất có thể di vật này có liên quan đến di tích Ngọc Vân hoặc di tích Mộc Cảo.

Giá trị to lớn


Hoa văn trên hộp vàng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đời Trần. (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang dáng dấp của một bông sen đang độ mãn khai. Hoa văn trên hộp vàng được chạm khắc thủ công, trong lòng các cánh sen, với phần nền gấm vân mây còn trang trí hình họa tiết hoa chanh, là đặc điểm cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân chế tác đương thời.

Về chất liệu, theo kết quả từ Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện ngày 9/10/2012, hộp được chế tạo với 90% thành phần là vàng, còn lại là các kim loại để gia tăng độ cứng.

Có thể nói hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử đã đạt tới đỉnh cao trong chế tác và mỹ thuật thời Trần. Căn cứ vào chất liệu cũng như độ tinh xảo, có thể hộp vàng Ngọa Vân là một vật cao quý thuộc về hoàng gia, thậm chí là một vật dùng trong các nghi thức tôn nghiêm, liên quan đến đạo Phật.


Đường hoa văn vô cùng tinh xảo của báu vật thời Trần. (Nguồn: Bảo tàng Quảng Ninh)

Vị trí phát hiện chiếc hộp nằm cạnh am Mộc Cảo, là thảo am của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu (1), con gái trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, nên rất có thể nó liên quan tới cuộc đời bà Hoàng Thái hậu.

Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Sở dĩ Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được lựa chọn là bảo vật quốc gia bởi hội tụ được nhiều giá trị độc đáo, khác biệt; thứ nhất, đây là các hiện vật gốc, độc bản, tồn tại nguyên vẹn mà cho đến nay chưa một cá nhân hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện, lưu giữ được hiện vật tương tự; thứ hai, các hiện vật có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ; thứ ba là giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử.

Đây là di vật bằng vàng thời Trần duy nhất hiện còn, có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ, phản ánh trình độ kỹ thuật kim hoàn, trình độ thẩm mĩ, trí tuệ sáng tạo cao của các nghệ nhân thời Trần.

Theo nghiên cứu, hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một pháp khí có tên gọi là Át già khí (2), một thuật ngữ dùng để chỉ cốc/bát đựng nước thơm trong nghi lễ cúng dường của Phật giáo.


Cận cảnh hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử. (Ảnh: Trung tâm nghiên cứu kinh thành).

Việc phát hiện hộp vàng Ngọa Vân trên con đường hành hương lên am Ngọa Vân góp tư liệu quan trọng khẳng định giá trị của di tích am Ngọa Vân, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, đồng thời, phản ánh tư tưởng và đời sống văn hóa tâm linh ở trung tâm Phật giáo Trúc Lâm của tầng lớp quý tộc Hoàng gia.

Bên cạnh đó, hộp vàng Ngọa Vân cũng phản ánh trình độ kỹ thuật kim hoàn, trình độ thẩm mĩ, trí tuệ sáng tạo cao của các nghệ nhân thời Trần, góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật thời Trần từ góc độ mĩ thuật vàng bạc quý hiếm mà xưa nay rất hiếm gặp dưới các vương triều Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng.

(1) Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng hậu (? - tháng 7, 1330), là Hoàng hậu của Trần Anh Tông, mẹ đích của Trần Minh Tông. Bà là con gái thứ của Thái úy Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, mẹ là Bảo Ân Quốc mẫu. Bà gọi Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn bằng ông nội, gọi Khâm Minh Đại vương Trần Liễu là cụ nội, xuất thân từ Hoàng tộc nhà Trần. Bà nổi tiếng sùng đạo Phật.

(2) Át già khí là một trong lục khí (Hỏa xá, Át già khí, Đồ hương khí, Hoa mạn khí, Đặng minh khí, Ấm thực khí), chỉ vật đựng chứa Át già, phấn thơm, bông hoa cúng dường.

Cập nhật: 29/03/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video