Phát hiện loài khủng long bọc thép lâu đời nhất ở châu Á

  •  
  • 395

Hóa thạch ở Vân Nam, Trung Quốc tiết lộ một loài khủng long bọc thép chưa từng được mô tả, sống cách đây 179 - 192 triệu năm.

 Mô phỏng khủng long bọc thép Yuxisaurus kopchicki.
Mô phỏng khủng long bọc thép Yuxisaurus kopchicki. (Ảnh: Yu Chen)

Trong bài báo xuất bản trên tạp chí eLife hôm 15/3, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Paul Barrett tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (NHM) ở London dẫn đầu đặt tên cho loài mới là Yuxisaurus kopchicki. Hóa thạch của nó khá hoàn chỉnh, bao gồm các mảnh hộp sọ, đốt sống, các phần của tứ chi và rất nhiều vảy giáp. Đây là mẫu vật lâu đời nhất và được bảo quản tốt nhất của lớp Khủng long bọc thép (Thyreophoroidea) ở châu Á.

Thyreophoroidea rất dễ nhận biết, đặc trưng bởi bộ giáp xếp thành hàng chạy dọc cơ thể. Hai phân bộ nổi tiếng nhất của lớp này là Giáp long (Ankylosaurus) và Kiếm long (Stegosaurus), ngoài ra còn một số nhóm ít được biết đến.

"Bộ giáp của Yuxisaurus kopchicki lập tức cho chúng ta biết nó là thành viên của lớp Khủng long bọc thép, cùng với Ankylosaurus và Stegosaurus. Tuy nhiên, tuổi của hóa thạch cho thấy nó là thành viên đời đầu, nằm ngoài hai phân bộ trên", Paul viết trong báo cáo. "Các đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc đã tìm thấy mẫu vật này ở Vân Nam, trong phiến đá có niên đại cách đây 179 - 192 triệu năm. Phân tích tiến hóa cho thấy nó có nhiều đặc điểm giống với tổ tiên chung của hai nhóm Ankylosaurus và Stegosaurus".

Trong quá khứ, hóa thạch Thyreophoroidea phần lớn được tìm thấy trong những tảng đá có niên đại cuối kỷ Jura và kỷ Phấn trắng, khoảng 66 - 163 triệu năm trước, ở Bắc Mỹ và châu Âu. Khám phá mới giúp xác nhận rằng những con khủng long bọc thép ban đầu sống ở châu Á vào thời điểm sớm hơn nhiều.

"Chúng ta mới biết rất ít về lịch sử ban đầu của những loài khủng long ăn cỏ ở Trung Quốc, vì vậy về mặt khu vực, đây là một phát hiện thực sự quan trọng", Paul nói thêm.

Cập nhật: 18/03/2022 Theo VnExpress
  • 395