Ngày 12/4, TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm cho biết, đây là một loài mới căn cứ theo xét nghiệm ADN.
Ngày 12/4, TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm cho biết, 8 mẫu xét nghiệm đều cho thấy, rùa hồ Gươm là một loài mới khác hoàn toàn với loài rùa Thượng Hải mà các nhà khoa học đã công bố. Các kết quả xét nghiệm so sánh và đối chiếu với rùa Đồng Mô, chùa Hương Tích, một vài mẫu xương, đầu của rùa dọc sông Hồng… cho thấy rùa hồ Gươm hoàn toàn là một loài mới.
Chú thích ảnh: Rùa hồ Gươm đang được chăm sóc trong bể chứa (Ảnh: Như Ý)
“So với tiêu bản rùa đang được giữ trong đền Ngọc Sơn, rùa hồ Gươm giống hệt”, TS Tề nói. Nhóm nghiên cứu sẽ xem xét thêm một mẫu ADN nữa với một cá thể rùa đang sống ngoài môi trường để khẳng định loài, giống của rùa Hồ Gươm.
Trước đó, ngày 9/4, sau khi xác định sức khỏe rùa sau một thời gian điều trị đã cho kết quả tốt. Các vết thương đã se lại, vì vậy tổ y tế đã quyết định chuyển rùa sang bể rộng hơn. Thời điểm này người ta cũng cân trọng lượng chính xác của rùa là 169 kg, dài 1,6m, rộng 0,8m, nhỏ và nhẹ hơn so với tiêu bản trong đền Ngọc Sơn (tiêu bản rùa đang ngự trong đền Ngọc Sơn được xác định là nặng tới 250kg, rộng 1,2m và dài 2,1m).
Theo TS Tề, sau 3 ngày được chuyển sang bể mới, rùa vẫn ổn định, ăn uống đều và không có dấu hiệu nào bất thường. “Chúng tôi đang gấp rút làm các xét nghiệm mẫu ADN để đưa ra kết luận cuối cùng về giống loài, giới tính, và tuổi của rùa hồ Gươm”.
Dự kiến, ngày 16/4, nhóm nghiên cứu sẽ công bố kết quả kết quả xét nghiệm ADN rùa hồ Gươm trên tạp chí sinh học để các nhà khoa học trong nước, thế giới biết đến.