Xơ gan cổ trướng là gì? Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Gan là một trong những cơ quan nội tạng đóng vai trò quan trọng trong việc giải độc và chuyển hóa các chất dinh dưỡng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ. Khi chức năng gan bị suy giảm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Một trong những căn bệnh nguy hiểm ở gan phải kể đến là xơ gan (hay còn gọi là xơ gan cổ trướng).

Xơ gan cổ trướng là gì?

Xơ gan cổ trướng hay còn gọi là xơ gan. Đây là một căn bệnh mãn tính gây suy giảm chức năng gan. Trong bệnh này, các tế bào trong mô gan bị tổn thương và hình thành nên sẹo. Việc hình thành sẹo sẽ làm cho gan không thể thực hiện được chức năng vốn có của nó, bao gồm tạo protein, giúp chống lại bệnh nhiễm trùng, làm sạch máu, tiêu hóa thức ăn và dự trữ năng lượng. Các tế bào chết trong gan gây cản trở việc thực hiện chức năng của các tế bào khác và dần làm mất chức năng của gan.

Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh xơ gan cổ trướng

Bệnh xơ gan thường gặp ở những người uống nhiều rượu bia, ăn nhiều hải sản tươi sống và lạm dụng thuốc không đúng cách.

Xơ gan là một bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tỉ lệ người mắc bệnh xơ gan ngày càng tăng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.


Bệnh xơ gan thường gặp ở những người uống nhiều rượu bia.

Triệu chứng của xơ gan cổ trướng

Các triệu chứng đầu tiên phổ biến nhất của xơ gan cổ trướng bao gồm:

  • Cảm giác mệt mỏi (kiệt sức) và yếu ớt
  • Chán ăn hoặc bỏ ăn
  • Buồn nôn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Gan bị phình
  • Lòng bàn tay đỏ bất thường

Những triệu chứng của xơ gan cổ trướng thời kì cuối bao gồm:

  • Vàng da và mắt
  • Nước tiểu vàng đậm
  • Rụng tóc
  • Thay đổi ở mạch máu ở da và xung quanh rốn (mạch máu hình mạng nhện)
  • Ngực nở to ở nam giới
  • Dễ thâm tím và chảy máu
  • Tiêu chảy không khỏi và bệnh trĩ
  • Choáng váng và hôn mê
  • Phình bụng do tích tụ dịch lỏng (cổ trướng) và phù chân (phù nề)
  • Lá lách to

Nguyên nhân gây ra bệnh xơ gan cổ trướng

Có nhiều nguyên nhân gây ra xơ gan, nguyên nhân phổ biến là do thường xuyên lạm dụng rượu bia. Những nguyên nhân khác bao gồm tác dụng phụ của thuốc, gan nhiễm mỡ, nhiễm trùng gan, viêm gan B, viêm gan C, các bệnh di truyền (như thừa chất sắt và xơ nang), viêm gan siêu vi mãn tính, các chất độc hại, chứng xơ gan mật nguyên phát (gây nên tắc nghẽn ống dẫn mật).

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh xơ gan cổ trướng tăng cao bao gồm:

  • Uống nhiều rượu bia
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Mỡ trong máu cao

Chẩn đoán và điều trị

Phương pháp dùng để điều trị bệnh xơ gan cổ trướng

Mục đích của việc điều trị xơ gan là hạn chế tổn thương gan và giảm nguy cơ biến chứng do xơ gan gây ra. Phương pháp tốt nhất là loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như: rượu, thuốc và các hóa chất độc hại cho gan.

Phương pháp điều trị hỗ trợ là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, bao gồm:

  • Kiêng rượu
  • Hạn chế ăn chất đạm khi có dấu hiệu phù nề
  • Hạn chế mỡ và ăn nhạt
  • Có chế độ ăn nhiều năng lượng và hạn chế chất lỏng (để kiểm soát sự tích lũy dịch lỏng)
  • Đối với trường hợp tích tụ nước ở bụng (cổ trướng) hay phù nề nặng, người bệnh có thể dùng thuốc lợi tiểu

Nếu tổn thương gan tiến triển dẫn đến suy gan, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép gan.

Kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh xơ gan cổ trướng

Bác sĩ có thể chẩn đoán xơ gan thông qua tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng. Các phương pháp xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp cắt lớp (CT) và sinh thiết gan có thể được tiến hành để hỗ trợ chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác gây ra bệnh gan. Ngoài ra, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp sinh thiết bằng cách lấy một mẫu mô gan nhỏ để quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết gan là kỹ thuật sàng lọc bệnh chính xác nhất để xác định tình trạng và nguyên nhân gây ra xơ gan.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn có thể dễ dàng kiểm soát bệnh xơ gan cổ trướng nếu bạn lưu ý những điều sau:

  • Không nên uống rượu
  • Có chế độ ăn uống cân bằng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng
  • Thay đổi sinh hoạt dựa theo triệu chứng bệnh
  • Liên hệ bác sĩ nếu trong quá trình điều trị, người bệnh nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen (ruột bị thương), có máu tươi trong phân, tích nước nhiều hơn ở bụng hay chân hoặc sốt.
Cập nhật: 28/02/2019 Theo hello bacsi
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video