Ý tưởng làm khô tầng bình lưu để hạ nhiệt Trái đất

Các nhà khoa học Mỹ đề xuất dùng máy bay phun băng ở độ cao 17km để khử nước tầng bình lưu, giúp Trái đất giảm nhiệt một phần.

Nhóm nhà khoa học từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và NASA đưa ra ý tưởng mới nhằm làm mát Trái đất, Phys hôm 29/2 đưa tin. Hơi nước là một khí nhà kính tự nhiên giữ nhiệt, giống như CO2 sinh ra từ quá trình đốt than, dầu và khí. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất rằng nếu có thể phun băng lên tầng khí quyển trên cao, nơi đó sẽ khô hơn và giúp giảm bớt một phần nhỏ hơn ấm mà con người tạo ra. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances.


Các chuyên gia đề xuất làm khô tầng khí quyển trên cao để giảm nhiệt cho Trái đất. (Ảnh: Max Dollner/Đại học Vienna)

"Đây không phải là việc mà chúng tôi có thể thực hiện ngay bây giờ. Chúng tôi chỉ tìm hiểu những gì có thể khả thi trong tương lai và xác định các hướng nghiên cứu", Joshua Schwarz, nhà vật lý tại NOAA, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Phương pháp làm khô tầng khí quyển trên cao diễn ra như sau. Đầu tiên, các máy bay công nghệ cao có thể phun những hạt băng ở độ cao khoảng 17km, ngay dưới tầng bình lưu, nơi không khí chậm rãi bốc lên. Sau đó, băng và không khí lạnh bốc lên đến nơi lạnh nhất và khiến hơi nước biến thành băng rồi rơi xuống, nhờ đó khử nước cho tầng bình lưu. Nhưng đến nay, thế giới vẫn chưa có công nghệ phun băng hiệu quả như vậy.

Schwarz cho biết, ở mức tối đa là phun 2 tấn băng một tuần, lượng hơi nước khử được có thể đủ để giảm nhiệt một chút, khoảng 5% tổng mức ấm lên do carbon từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra. Mức này không nhiều và không nên được sử dụng như một biện pháp thay thế cho việc giảm ô nhiễm, theo Schwarz. Ông không chắc chắn về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Đây cũng là vấn đề mà nhiều nhà khoa học khác lo ngại.

Việc cố tình chỉnh sửa khí quyển Trái đất để khắc phục biến đổi khí hậu có thể tạo ra nhiều vấn đề mới, theo nhà khoa học khí hậu Andrew Weaver tại Đại học Victoria. Weaver cho biết, ý tưởng mới có thể hợp lý về mặt kỹ thuật, nhưng ông so sánh nó với một câu chuyện của trẻ em về vị vua yêu thích phô mai nhưng gặp rắc rối với chuột. Vị vua dùng mèo để xử lý chuột, sau đó phải dùng chó để đuổi mèo, tiếp đến dùng sử tử để loại bỏ chó, voi để loại bỏ sư tử, cuối cùng quay lại dùng chuột để xua đuổi voi. Weaver cho biết, sẽ hợp lý hơn nếu giải quyết vấn đề gốc - phô mai hay CO2.

Cập nhật: 04/03/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video