Ý tưởng "phà không gian" cho phép làm điều không tưởng với rác vũ trụ

Thử nghiệm với chiếc dù lượn giúp công ty Outpost Technologies đưa được những vật thể từ vũ trụ về Trái đất để kiểm tra hoặc sửa chữa.

Theo báo cáo của NASA, ít nhất 26.000 mảnh rác thải vũ trụ quay quanh Trái đất có kích thước bằng một quả bóng mềm - đủ lớn để phá hủy một vệ tinh. Trong đó, hơn 500.000 mảnh vỡ lớn bằng đá cẩm thạch - có khả năng làm hỏng tàu vũ trụ, trong khi hơn 100 triệu mảnh bé có thể làm thủng đồ bảo hộ trong không gian.


Ở tầng bình lưu, Outpost Technologies đang thử nghiệm ý tưởng "phà không gian" với dù lượn để đưa các vệ tinh và phần cứng không gian trở lại Trái đất. (Ảnh: Outpost).

Để giải quyết tình trạng này, Outpost Technologies - một công ty startup có trụ sở tại Mỹ, đã đưa ra thử nghiệm vô cùng táo bạo, đó là chở những vệ tinh, tên lửa lơ lửng ngoài vũ trụ quay về Trái đất bằng dù lượn.

Kế hoạch được Outpost Technologies đưa ra bao gồm việc phóng các vệ tinh lên quỹ đạo bằng một phương tiện nhỏ. Sau đó, họ sẽ dẫn chúng trở lại bầu khí quyển bằng dù lượn, ở tốc độ cận âm.

Điều này sẽ cho phép hạ cánh nguyên vẹn thiết bị, vệ tinh hoặc tên lửa xuống Trái đất mà không có bộ phận nào bị đốt cháy trong quá trình tiến vào bầu khí quyển.

Outpost Technologies cũng sử dụng cách thức tương tự để đưa rác vũ trụ, gồm các vệ tinh cũ và mảnh vỡ quay lại Trái đất.


Các bước thực hiện kế hoạch đưa vật thể không gian trở lại Trái đất bằng dù lượn. (Ảnh: Outpost).

Giới chuyên môn đánh giá ý tưởng này được đưa ra nhằm đáp ứng sự ra đời của các giai đoạn tên lửa có thể tái sử dụng bởi Blue Origin và SpaceX. Cùng với đó, việc tiếp nhiên liệu cho các vệ tinh giai đoạn đầu có thể trở nên khả thi trong tương lai.

"Tôi rất tin vào ý tưởng một ngày nào đó sẽ có hàng triệu người sống và làm việc trong không gian. Thành thật mà nói, điều đó sẽ không xảy ra nếu như chúng ta không có một lộ trình rõ ràng", ông Jason Dunn, CEO Outpost Technologies cho biết.

Cho đến nay, các ý tưởng của startup tới từ Mỹ đang ở giai đoạn thiết kế và thử nghiệm ban đầu. Hiện công ty đã huy động được 7 triệu USD tài trợ hạt giống cho dự án.

Trước đó, Hanspeter Schaub, giáo sư Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ tại Đại học Colorado ở Boulder đề xuất dọn dẹp rác vũ trụ bằng "súng bắn điện từ", cho phép người điều khiển làm chậm vật thể hoặc chuyển hướng quỹ đạo của vật thể.

Một giải pháp khác được đề xuất từ Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAEA), đó là bắn một sợi dây động lực vào vật thể từ một tàu vũ trụ, rồi kéo nó xuống bầu khí quyển.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng những phương pháp này đều còn khá xa vời, và khó để áp dụng vào thực tế. Chưa kể tới nguy cơ thất bại khi dự án được thử nghiệm, có thể dẫn tới một loạt các thảm họa đi kèm.

Cập nhật: 28/12/2022 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video