Ấn Độ và sự "lột xác" hoàn hảo

  •  
  • 118

Không còn là "lò" gia công thô khổng lồ của thế giới nữa, Ấn Độ đang thu hút mạnh mẽ chính các tài năng IT của nước Mỹ, cùng một dòng vốn đầu tư "vô tiền khoáng hậu" từ những gã khổng lồ như Microsoft và Intel.

Infosys, một trong những hãng cung cấp dịch vụ tư vấn IT hàng đầu tại Bangalore. Hãng này cũng đặt trụ sở tại Mỹ.

Erik Simonsen có bằng MBA tại đại học New York, nhưng anh chàng thạc sĩ 28 tuổi này vẫn quyết định bay nửa vòng trái đất đến Ấn Độ để làm việc. Erik chọn Copal Partners, một hãng công nghệ nhỏ gần New Delhi, trong khi từ chối lời mời của nhiều hãng khác ở thung lũng Silicon và Bờ Đông. Lý giải cho quyết định này của mình, Erik nói rằng thị trường Mỹ đã bão hòa và "đình trệ", trong khi Ấn Độ vẫn còn đang tràn đầy sức bật và "chỗ trống để người ta tung hoành".

"Đây là cơ hội để nếm lại mùi vị của cơn sốt dotcom tại Mỹ hồi cuối thập niên 90. Các công ty tại đây (Ấn Độ) đang phát triển nhanh đến chóng mặt", Erik hào hứng nói.

Kinh nghiệm toàn cầu

Erik không phải là trường hợp cá biệt. Số sinh viên, thạc sĩ các ngành khoa học, kinh doanh và công nghệ như anh, tốt nghiệp những trường danh giá, dân Mỹ chính hiệu "con nai vàng" nhưng balô vác vai đến tận Nam Á làm việc, ngày càng nhiều. Thứ họ tìm kiếm là một miền đất mới và những kinh nghiệm làm việc quốc tế.

"Thực tập những gì được học đang trở thành nhu cầu số một trong vòng 5 năm qua của sinh viên Mỹ. Ấn Độ tỏ ra đặc biệt hấp dẫn vì môi trường tiếng Anh ở đây rất tốt. Điều này hơi khác với Trung Quốc, nơi sinh viên Mỹ thường bị trở lực vì ngôn ngữ. Nói ví von như George Day, một giáo sư của trường Kinh Doanh Wharton Pennylvania thì Trung Quốc giống như một cỗ máy lớn, nhưng Ấn Độ mới là đầu tàu".

Bản thân các trường đại học của Mỹ cũng nhận thấy nhu cầu này, và theo đánh giá của họ, các thị trường châu Á mới nổi là có hấp lực mạnh nhất. Hè năm ngoái, chủ tịch đại học danh tiếng Yale Richard Levin đã dẫn theo một đội 12 chuyên gia bay đến Ấn Độ, lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học ở nước này. Năm 2005, số thực tập sinh của Yale đến Ấn Độ là 30 người và dự kiến trong năm tới sẽ là 50.

Năm 2006 cũng sẽ chứng kiến lứa nghiên cứu sinh đầu tiên của Học viện Công nghệ Massachusetts - chương trình Ấn Độ, bảo vệ luận án tiến sĩ các ngành khoa học và kinh tế học của họ. "MIT cử sinh viên tới đây vì họ nhận ra môi trường làm việc toàn cầu tại Ấn Độ. Nhưng quan trọng hơn, đó còn là niềm tin", Deepti Nijhawan - người phụ trách chương trình đào tạo bên phía Ấn Độ cho biết.

Sàn đấu mới của các đại gia

Tuần trước, chỉ trong vòng có vài ngày, hai gã khổng lồ về công nghệ của Mỹ là Microsoft và Intel lần lượt đưa ra những tuyên bố khiến cả hai bên bờ đại dương rúng động. Một khoản đầu tư nhiều "vô tiền khoáng hậu" sẽ được rót cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm của hai hãng này ở Ấn Độ.

Cụ thể, ngày 7/12, ông chủ tịch Bill Gates của Microsoft cho biết sẽ rót 1,7 tỷ USD cho Microsoft Ấn Độ trong vòng 4 năm. Một nửa số tiền này sẽ được dành cho trung tâm Nghiên cứu và phát triển ở Hyderabad, chi nhánh lớn thứ hai của Microsoft trên toàn thế giới, chỉ sau đại bản doanh ở Redmond, Washington mà thôi. Cũng theo lời của Gates thì  "Ấn Độ đã nổi lên như một thánh địa Mecca mới của đầu tư công nghệ cao".

Trước đó vài ngày, ông chủ tịch Craig Barret của hãng chip Intel cũng tuyên bố hãng ông sẽ đầu tư 1,1 tỉ USD vào quốc gia Nam Á này. Hồi tháng 10, gã khổng lồ về thiết bị mạng Cisco Systems cho biết sẽ rót hơn 1 tỷ USD cho Ấn Độ trong vòng 3 năm - đây là khoản đầu tư ngoài nước Mỹ lớn nhất trong lịch sử của hãng.

Điều đáng chú ý là tất cả những số tiền này đều dành cho công việc nghiên cứu, phát minh và thiết kế, đòi hỏi đội ngũ kỹ sư cùng chuyên gia trình độ cao, thay vì những công việc gia công "chân tay" vốn gắn liền với tên tuổi Ấn Độ trước đây.

Không chỉ có các công ty Mỹ đặt trụ sở tại Ấn Độ mới thu hút kỹ sư Mỹ về đây nghiên cứu, làm việc, bản thân sinh viên Mỹ du học tại Ấn cũng đang tích lũy kinh nghiệm chuyên môn ngay trong các công ty bản địa.rTim Hentzel (30 tuổi), sinh viên theo học MBA của trường kinh doanh Wharton, đến Ấn Độ lần đầu từ năm 2004 trong khuôn khổ 3 tuần của chương trình "thực tập quốc tế". Infosys, một hãng kinh doanh IT và cung cấp dịch vụ tư vấn, đã lập tức "hút hồn" Tim, bởi nơi đây thu hút nhân sự, thực tập sinh từ khắp mọi nơi trên thế giới. "Một môi trường toàn cầu thực sự", Tim thốt lên.

Không chỉ có vậy, Tim còn thực sự bất ngờ vì "văn hóa doanh nghiệp" ở đây, khi các thực tập sinh cũng được tham gia dự án quan trọng, được đánh giá bình đẳng với giảng viên hướng dẫn và có thể gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo công ty bất cứ lúc nào.

 "Ấn Độ đang ở tốp dẫn đầu của công nghệ hiện đại". Không chút ngần ngại, Tim đã gọi đây là "quyết định đúng đắn nhất trong đời".

Chiến lược tương lai

Navi Radjou, một chuyên gia của Forrester Research, chia sẻ: "Nếu bạn hỏi General Electric, họ sẽ nói có tới 60% doanh thu tương lai của hãng xuất phát từ những thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu bạn là muốn người trẻ, với tham vọng trở thành sếp bự trong tương lai, tốt nhất là bạn phải tìm hiểu kỹ về 60% đó ngay từ bây giờ".

Tuy nhiên, để có thể thu hút được nhiều nhân tài hơn nữa, Ấn Độ cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng đang còn khá lạc hậu và chưa đồng bộ của nước này. "Nếu bạn muốn xây nhà máy sản xuất chip, bạn cần có điện áp ổn định, bạn cần có đường sá để vận chuyển chip đi. Và nếu bạn muốn thu hút nhân tài từ những đất nước hiện đại hơn, bạn cần đáp ứng được nhu cầu nhà ở, trường học chất lượng cao cho con cái của họ".

Trở lại với câu chuyện của Erik Simonsen. Vào làm ở Cobol Partners với tư cách một thực tập sinh, nhưng chỉ trong một tháng ngắn ngủ, Erik đã được thăng lên tới chức phó chủ tịch cao cấp phụ trách IT, tuyển dụng và quản trị. Erik thực sự ngất ngây vì điều này "Tôi chưa bao giờ có được một trách nhiệm lớn đến như vậy ở một công ty Mỹ - Cobol mở rộng nhân sự tới 300% chỉ trong vòng 6 tháng. Nếu ở Mỹ, nghe chuyện này chắc chắn bạn sẽ đầy bụng nghi ngờ. Nhưng một khi đến đây, bạn sẽ hiểu".

Thiên Ý

Theo VietnamNet
  • 118