An Giang và Kandal hợp tác phòng chống lụt bão

  •  
  • 355

Ngày 5/11, Hội thảo xây dựng kế hoạch hợp tác xuyên biên giới trong phòng chống lụt bão khẩn cấp giữa hai tỉnh An Giang và Kandal (Campuchia) đã diễn ra tại tỉnh An Giang.

Tại hội thảo, ông Chum Vuthy, Quản lý dự án ADPC (Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á) tại Campuchia đã nêu kế hoạch phòng chống lụt bão và quản lý tình huống khẩn cấp chung của 2 tỉnh Kandal và An Giang như hợp tác tìm kiếm cứu nạn chung trong tình huống khẩn cấp do lũ sông Mekong, chia sẻ và truyền tải thông tin dự báo và cảnh báo lũ sớm trong mùa lũ; hợp tác trong chăm sóc sức khỏe...


Đất đai bị sạt lở do lũ. (Ảnh internet)

Hợp tác xây dựng các kè chống sạt lở dọc khu vực biên giới 2 tỉnh Kandal và An Giang và xây dựng cơ chế thủ tục pháp lý hỗ trợ nhân đạo trong tình huống khẩn cấp do lũ sông Mekong cũng được chú trọng.

Hai bên đã thống nhất chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tìm kiếm cứu nạn. Trong mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm), hai tỉnh hợp tác cứu hộ cứu nạn người dân bị lũ sông Mekong.

Trong tình huống khẩn cấp, chính quyền địa phương, nơi có người dân bị nạn do lũ lưu trú tạm thời, cho phép vận chuyển và cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp đến những nạn nhân này.

Chính quyền địa phương hai tỉnh sẽ thảo luận và trao đổi với nhau tìm phương pháp thích hợp ngăn chặn và giảm nhẹ tình trạng xói lở bờ sông, đặc biệt giúp giảm thiểu tác động đến đời sống người dân sinh sống dọc biên giới thường xuyên xảy ra sạt lở.

Hai tỉnh hợp tác triển khai các hoạt động liên quan chăm sóc sức khỏe và ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả và tiêu chảy.

Sở y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế dọc biên giới hai tỉnh hợp tác cung cấp vắcxin cho người dân sinh sống dọc biên giới; tổ chức diễn tập chung về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Hai bên cùng đề nghị Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) trình Ủy hội sông Mekong hỗ trợ kinh phí diễn tập chung, xây dựng các biểu mẫu chung để thực hiện trao đổi thông tin dự báo lũ, bão và cảnh báo cho hai bên.

Theo Vietnam+
  • 355