Ẩn họa từ đới trượt cắt sông Hồng

  •  
  • 1.593

Từ các nghiên cứu về đới trượt cắt sông Hồng phát hiện đới đứt gãy sông Hồng có độ đứt gãy sâu trong khu vực Đông Nam Á với động đất cực đại có thể lên tới 6,0 ± 0,3 độ richter.

Các nhà khoa học cảnh báo tai biến địa chất môi trường như động đất, nứt, trượt lở đất đá, lũ bùn đá, xói lở bờ sông…là những nguy cơ có thể xảy ra. Đây là những kết quả nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Việt Nam và Ba Lan công bố tại hội thảo “Kiến tạo đới đứt gãy sông Hồng và địa chất miền Bắc Việt Nam” tổ chức ngày 23/11, tại Hà Nội.

Những phát hiện thú vị

Một trong những sự kiện kiến tạo quan trọng nhất ở châu Á, có liên quan trực tiếp đến Việt Nam là mảng lục địa Ấn Độ đâm vào mảng Á - Âu, dẫn đến sự tạo thành dãy Himalaya hùng vĩ nhất hành tinh và tạo nên đới trượt cắt sông Hồng (ĐTCSH), còn gọi là đới trượt cắt Ailao Shan - sông Hồng. Đới trượt cắt này chạy dài cả ngàn km, kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam, suốt từ Đông Nam Tây Tạng (Trung Quốc), cắt xuyên qua miền Bắc Việt Nam ra tới biển Đông. Đới đứt gãy sông Hồng nằm trong ĐTCSH.

GS Nguyễn Trọng Yêm, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Để có những thông số chính xác, nhóm các nhà khoa học địa chất Việt Nam và Ba Lan trong 10 năm qua đã tập trung nghiên cứu địa động lực Kainozoi Việt Nam (thời đại địa chất Tân Sinh cách 40 triệu năm về trước).

Điểm độc đáo của ĐTCSH là sự phân bố những bồn trũng Mioxen nhỏ, hẹp bị khống chế bởi chính những đứt gãy trong đới này. Nghiên cứu bồn trũng, các nhà khoa học khẳng định ĐTCSH được hình thành không phải là giai đoạn hoàn toàn “ngưng nghỉ” kiến tạo như nhận định của nhiều nhà địa chất trước đây

Dựa trên dấu hiệu địa mạo ở nhiều vị trí phân bố suốt chiều dài trên 200km từ biên giới Việt - Trung đến Phú Thọ, lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được biên độ dịch chuyển phải của các đứt gãy trong ĐTCSH đoạn Việt Nam chỉ gần 14 km, ít hơn nhiều so với những nghiên cứu khác (từ 20 - 250km). Nghiên cứu này giúp cho khả năng dự báo động đất được chính xác hơn.

 

Thực địa khảo sát trầm tích tại khu vực Lào Cai. Ảnh PN

Liên quan đến thành phố ven sông Hồng

Theo TS Nguyễn Quốc Cường, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với các nghiên cứu về kiến tạo, địa chất, địa mạo có thể thấy nhiều nguy cơ tai biến có thể xảy ra tại đới đứt gãy sông Hồng. Các nguy cơ tiềm tàng như động đất, nứt, trượt lở đất đá, lũ bùn đá, xói lở bờ sông, bờ biển... Tất cả những nguy cơ này đều thể hiện qua lịch sử kiến tạo địa chất. Ngay như với động đất, mặc dù chưa thể dự báo được chính xác thời điểm gần có thể xảy ra nhưng có thể đưa ra được dự báo tương đối xa (có thể vài trăm năm sau).

Theo các chuyên gia, hiện tượng nứt đất xảy ra mạnh nhất ở Bất Bạt (Ba Vì, Hà Nội), Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Liên Mạc, Viên Nam (Mê Linh, Vĩnh Phúc), Kim Động (Hưng Yên). Hiện tượng xói lở bờ sông phát triển chủ yếu dọc sông Hồng, sông Chảy thuộc địa phận thị xã Lào Cai (Lào Cai). Hiện tượng lũ bùn đá có thể xảy ra ở khu vực miền núi.

Các nhà khoa học cũng cho biết, vùng chịu ảnh hưởng của đới đứt gãy sông Hồng tại Việt Nam là một vùng dân cư rộng lớn, đông đúc và nhiều khu vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như các công trình thuỷ điện Thác Bà, Hòa Bình, các khu công nghiệp Việt Trì, Hà Nội, Nam Định, hệ thống đê điều của đồng bằng Bắc Bộ, các mỏ khoáng sản, dầu khí, than nâu ở miền núi, vùng trũng Hà Nội (tam giác Việt Trì - Nam Định - Hải Phòng) và vịnh Bắc Bộ.

Theo GS Yêm, đới ĐGSH còn liên quan đến dự án thành phố ven sông Hồng, vì vậy tất cả các công trình xây dựng ở đây phải tính toán để lường trước những biến động địa chất có thể xảy ra, tránh những tổn thất không đáng có. 

TS Nguyễn Quốc Cường cho biết: Tất cả những thông số nghiên cứu sẽ được công bố rộng rãi để các ngành khác có thể xử lý tai biến địa chất môi trường trong việc xây dựng nhà máy thủy điện, quy hoạch, phát triển đô thị bền vững trong khu vực. Hiện nay mới chỉ nghiên cứu được dọc đới đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, dọc tuyến biên giới Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La… Dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng thêm đới sông Đà – sông Mã và mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mục đích cuối cùng tập trung nghiên cứu để chỉ ra những nguy cơ về tai biến môi trường và tìm kiếm nguồn khoáng sản.

Theo Báo Đất Việt
  • 1.593