Phát minh gần đây của giáo sư Veena Sahajwalla ở Đại học New South Wales, Australia đã hiện thực giấc mơ biến rác thải từ xe ô tô cũ thành loại vật liệu mới.
Phóng viên tại Australia dẫn lời của giáo sư Sahajwalla, giám đốc Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu Vật liệu Bền vững (SMaRT) cho biết công nghệ mới này sử dụng các bộ phận không thể tái chế của những xe ô tô cũ, cụ thể là chất silic trong kính, carbon trong các bộ phận làm bằng nhựa, cùng với các mảnh thép nhỏ, đưa qua một chu trình phản ứng để tạo ra một hợp kim silic sắt hoàn toàn mới.
Ảnh: daniel-fisher.co.uk
Công nghệ trên vừa được công bố tại một cuộc hội thảo tổ chức tại Mỹ. Hợp kim mới sẽ được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi đưa vào ứng dụng thực tế.
Giáo sư Sahajwalla cũng đã giành được giải thưởng Thách thức Sáng tạo của Australia năm 2012 cho phát minh tận dụng lốp xe cũ để sản xuất ra thép.
Phát minh này đã được đối tác của giáo sư Sahajwalla là Công ty OneSteel sử dụng, giúp giảm bớt hàng triệu lốp xe cũ thường phải chôn sâu trong lòng đất một cách lãng phí do không thể tái chế. Công nghệ biến lốp xe thành thép hiện cũng được sử dụng trong nhiều dây chuyền sản xuất thương mại tại thành phố Sydney (bang New South Wales) và Melbourne (bang Victoria); đồng thời xuất khẩu sang Thái Lan.
Hai quy trình công nghệ trên có sức hấp dẫn lớn trên phạm vi toàn cầu xuất phát từ thực tế chi phí tách vật liệu thô cũng như xử lý hàng triệu tấn rác thải ở mức quá cao.