Bắn 15 mũi tên trong 10 giây: Đây là vũ khí đáng sợ do Gia Cát Lượng phát minh

  •   4,65
  • 17.856

Nỏ liên hoàn của Gia Cát Lượng có thể bắn tới 15 mũi tên trong 10 giây, trở thành vũ khí đáng sợ trên các chiến trường của Trung Quốc thời cổ đại.

Nỏ là một loại vũ khí cổ được dùng để phóng tên, có sức ảnh hưởng lớn đến các trận chiến trong thời cổ đại. Trước khi được sử dụng rộng rãi, nỏ ban đầu là vũ khí có thiết kế khá đơn giản, bao gồm cây cung và số lượng mũi tên mang theo có giới hạn.

Để sử dụng cung tên một cách hiệu quả, những đội quân trước khi chinh chiến cần phải đào tạo một số lượng cung thủ có sức mạnh thể chất cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo.

Trong khi đó, sử dụng nỏ liên hoàn thường chỉ cần ít người có kỹ thuật và hao tốn sức mạnh thể chất ít hơn nhiều so với cung tên.

Hơn nữa, chúng có thể được tạo ra với chi phí rẻ hơn. Do đó, những người lính được giao phó nhiệm vụ điều khiển nỏ (dù không được huấn luyện nhuần nhuyễn với cung tên) cũng có thể sử dụng vũ khí này một cách hiệu quả trên sa trường.

Nguồn gốc của nỏ: Vũ khí uy lực thời cổ đại

Nỏ có thể đã được phát minh từ rất sớm ở Trung Quốc thời cổ đại. Một số sử gia tin rằng, nỏ là vũ khí quân sự được phát minh lần đầu tiên ở quốc gia này vào đầu những năm 2.000 TCN.

Điều này có thể nhận thấy dựa trên một số hiện vật như xương, đá, hay vật liệu dùng để kích hoạt nỏ. Tuy nhiên, theo một số bằng chứng kết luận thì nỏ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 6 TCN ở Trung Quốc cổ đại.

Vũ khí uy lực thời cổ đại
Nỏ là một vũ khí cổ được sử dụng trên chiến trường thời cổ đại và Trung Cổ. (Ảnh: Intenet).

Bên cạnh đó, nỏ cũng được cho là phát minh đầu tiên ở Đông Á, Trung Á, nên thực sự rất khó để xác định chính xác nguồn gốc của loại vũ khí này.

Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng trong văn học và khảo cổ học, lại cho thấy nỏ xuất hiện sớm nhất là ở Trung Quốc.

Nỏ cũng được cho là phát minh đầu tiên ở Đông Á
Ảnh: Public Domain.

Về văn học, hai minh chứng đầu tiên có đề cập đến sử dụng nỏ, bao gồm Binh Pháp Tôn Tử, Học thuyết Mặc Tử (khoảng thế kỷ 4 - 3TCN), vào một tài liệu có liên quan đến việc sử dụng nỏ khổng lồ trong giai đoạn khoảng thế kỷ 6 - 5 TCN, thuộc cuối thời kỳ Xuân Thu (770-476 TCN).

Đối với các bằng chứng khảo cổ, các chuyên gia phát hiện một bộ phận bằng đồng của nỏ được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

Những cổ vật nhỏ này có niên đại vào khoảng năm 600 TCN, và khu vực này khi đó là một phần của nước Lỗ, một nước chư hầu của Nhà Chu thời Xuân Thu.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện thấy những mũi nỏ bằng đồng có niên đại giữa thế kỷ thứ 5 TCN, tại tỉnh Hồ Bắc (trước đó từng là một phần của Nhà Chu).

Cung tên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Cung tên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Ancientorigins)

Đặc biệt, vào năm 2015, giới nghiên cứu bất ngờ khi phát hiện chiếc nỏ hoàn chỉnh đầu tiên có niên đại từ triều đại nhà Tần, được tìm thấy trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên và nổi tiếng bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc.

Chiếc nỏ cổ hơn 2.000 năm tuổi với chiều dài khoảng 1,5 mét, và có tầm bắn khoảng gần 800 mét.

Nỏ liên hoàn của Gia Cát Lượng: "Súng máy" đáng sợ của Trung quốc cổ đại

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng nỏ cũng là vũ khí có một số nhược điểm nghiêm trọng. Một trong số đó là tốc độ bắn chậm. Hơn nữa, vào thời Trung Cổ, các quốc gia ở châu Âu thường sử dụng những mũi tên nặng.

Theo đó, tốc độ trung bình của nỏ bắn ra là khoảng 2 mũi tên trong một phút. Tuy nhiên, nếu một người lính thành thạo, thì có thể bắn từ 10-12 mũi tên/phút.

Theo các chuyên gia, dường như nỏ Trung Quốc thời cổ đại cũng gặp với vấn đề tương tự giống như những quốc gia châu Âu thời Trung Cổ.

Nỏ liên hoàn, phát minh tuyệt vời của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc
Nỏ liên hoàn, phát minh tuyệt vời của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. (Ảnh: BRLSI).

Như mọi người đã biết, Gia Cát Lượng không chỉ giỏi nhìn xa trông rộng và góp ý đắc lực cho quân vương, ông còn khá giỏi trong việc cải tiến công cụ chiến đấu trong chiến tranh. Dưới sự hướng dẫn của ông, ngay từ thời Tam Quốc, ông đã sáng chế ra một loại nỏ cho phép bắn liên tục những mũi tên sắc bén, đó chính là "Nỏ thần Gia Cát Lượng" hay, "nỏ liên hoàn, "nỏ Gia Cát" mà chúng ta thường thấy trong nhiều tiểu thuyết. Bạn biết đấy, trong thời đại vũ khí lạnh cổ đại, tính sát thương của các công cụ chiến đấu như "Thang mây" "Nỏ thần Gia Cát" có thể tăng gấp đôi hiệu quả chiến đấu trong chiến tranh, chắc chắn có thể so sánh với súng máy và xe tăng trong thời hiện đại.

Nỏ liên hoàn là một phát minh nổi tiếng của Gia Cát Lượng (181-234), nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc thời Tam Quốc (220-280). Phát minh đặc biệt này của Gia Cát Lượng được sáng chế khi ông chuẩn bị phạt Ngụy.

Trước tình hình phải giao đấu với đội quân kỵ binh đông đảo của Ngụy, Gia Cát Lượng đã tạo ra loại vũ khí có uy lực mạnh mẽ với tính sát thương lớn hàng đầu lúc bấy giờ. Theo một số ghi chép lịch sử, loại nỏ này sử dụng tên làm bằng sắt, dài khoảng 80cm.

Nỏ liên hoàn có những cải tiến ưu việt so với nỏ truyền thống
Nỏ liên hoàn có những cải tiến ưu việt so với nỏ truyền thống. (Ảnh: Ancientorigins).

Trong tình hình thực tế, người ta có thể nhận thấy những cải tiến vượt trội của chiếc nỏ liên hoàn so với những vũ khí trước đó.

Đúng như tên gọi, nỏ liên hoàn có thể bắn được số lượng đáng kể mũi tên trước khi cần phải nạp lại.

Tần suất bắn nhanh đáng kinh ngạc của nỏ liên hoàn đã khiến chúng trở thành một loại vũ khí tầm xa đáng sợ trên các chiến trường ở Trung Quốc thời cổ đại.

Khác với các loại nỏ thông thường, nỏ liên hoàn được thiết kế tự động đưa các mũi tên vào rãnh bắn. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể thời gian ngắt quãng giữa các lần bắn và thao tác của cung thủ.

Nỏ liên hoàn

Dây cung của nỏ liên hoàn được căng bằng cần gạt thay vì kéo tay
Dây cung của nỏ liên hoàn được căng bằng cần gạt thay vì kéo tay. (Ảnh: Baike).

Bên cạnh đó, dây cung được căng bằng cần gạt thay vì kéo tay, cũng giúp các thao tác của cung thủ hay người lính điều khiển nỏ tăng tốc độ, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Cụ thể, trong tay một người lính hoặc một cung thủ điêu luyện, nỏ liên hoàn có thể bắn được liên tiếp 15 mũi tên chỉ trong 10 giây, nhanh hơn rất nhiều lần so với tốc độ của nỏ thông thường.

Tốc độ chiến đấu và khả năng sát thương lớn khiến nỏ liên hoàn được ví như "súng máy" của binh lính Trung Quốc thời cổ đại.

Tại sao nỏ Gia Cát là vũ khí đỉnh cao thời cổ đại?

Sự kết hợp giữa tốc độ và sức mạnh đã khiến nỏ Gia Cát trở thành một trong những vũ khí tối ưu nhất, đáp ứng được yêu cầu chiến thuật và chiến lược trong chiến tranh, từ đó góp phần thay đổi cục diện nhiều trận chiến lớn thời cổ đại.

Tần suất bắn nhanh khiến nỏ liên hoàn trở thành một vũ khí tầm xa đáng sợ trên chiến trường.
Tần suất bắn nhanh khiến nỏ liên hoàn trở thành một vũ khí tầm xa đáng sợ trên chiến trường. (Ảnh: Sohu)

Nỏ Gia Cát được xem là vũ khí đỉnh cao thời cổ đại vì nhiều lý do:

  • 1. Công nghệ tiên tiến: Nỏ Gia Cát sử dụng kỹ thuật và công nghệ cơ khí tiên tiến. Nó có thể bắn được số lượng đáng kể mũi tên trước khi cần phải nạp lại, nhờ vào cơ chế nạp tự động.
  • 2. Tăng cường lực lượng: Nhờ khả năng bắn hàng loạt mũi tên, nỏ Gia Cát tăng cường đáng kể lực lượng tấn công từ xa, làm cho việc phòng thủ hoặc tấn công trở nên hiệu quả hơn.
  • 3. Sức mạnh và độ chính xác: Vũ khí này không chỉ có sức mạnh đáng kể do cơ chế căng cung mạnh mẽ, mà còn có độ chính xác cao, giúp tăng khả năng gây thiệt hại cho đối phương.
  • 4. Yếu tố tâm lý: Sự xuất hiện của nỏ Gia Cát trên chiến trường còn tạo ra yếu tố tâm lý đáng sợ đối với kẻ địch, khi chứng kiến một loạt mũi tên được bắn ra cùng lúc.

Nỏ Gia Cát chính là sự kết hợp giữa kiến thức kỹ thuật và chiến thuật quân sự, thể hiện sự sáng tạo và tiến bộ trong sản xuất vũ khí thời cổ đại.

Cập nhật: 30/08/2024 Tổng Hợp
  • 4,65
  • 17.856