Ngày 24-1, hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 2.400 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, doanh nhân, các tổ chức hoạt động xã hội đến từ 90 quốc gia.
Hàng loạt chủ đề nóng hổi đã được đưa lên bàn hội nghị: thay đổi khí hậu, thương mại thế giới, toàn cầu hóa, khủng hoảng Trung Đông, cuộc chiến chống HIV/AIDS...
Vấn đề Trái đất ấm dần lên là chủ đề chính trong bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như 17 cuộc họp xuyên suốt bốn ngày hội nghị. WEF cũng đặc biệt chú trọng việc đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm giá dầu thay đổi bất thường và biến động nguồn cung tại Nga.
Với 50% đại biểu là chủ tịch, giám đốc điều hành các tập đoàn toàn cầu (của 70 trong số 100 công ty lớn nhất thế giới), hội nghị WEF năm nay cũng đề cập các chủ đề như phát triển quĩ đầu tư, bùng nổ thị trường hàng hóa và sự trỗi dậy của công nghệ không dây. Bên lề hội nghị, bộ trưởng thương mại 30 nền kinh tế họp với giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy bàn về phương hướng tái khởi động đàm phán thương mại tự do.
Thời điểm WEF bắt đầu thì cũng là lúc Diễn đàn Xã hội thế giới (WSF), hội nghị của phong trào chống toàn cầu hóa, kết thúc tại Nairobi, Kenya. WSF năm nay thu hút sự tham dự của hơn 46.000 người (Ảnh: AFP) |
HIẾU TRUNG